Nếu ngày nào đó, một chiếc limousine chống đạn treo cờ đỏ, đưa người chiến thắng là Tập Cận Bình diễu qua những con đường của thủ đô Đài Bắc, Tập sẽ trở thành hoàng đế cộng sản bất diệt. Ông ta sẽ đi vào lịch sử cùng với Mao Trạch Đông, kết thúc cuộc nội chiến vẫn chưa hoàn thành năm 1949 khi Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan.
Hồ sơ của Le Point tuần này mang tựa đề « Macron đã thay đổi như thế nào » điểm lại những quyết định của tổng thống Pháp, những gì đã được ông rút kinh nghiệm (hoặc không) sau một năm khủng hoảng. L’Obs quan tâm đến « Cuộc thú tội lớn » về quấy nhiễu tình dục trong giáo hội. Courrier International dành hồ sơ cho « Cuộc đổ xô vào vàng xanh » : ngày càng có nhiều nước lao vào việc trồng cần sa dùng cho mục đích y học. Một thị trường đầy hứa hẹn, tuy luật pháp không phải lúc nào cũng phù hợp.
Trang bìa L’Express trên nền màu đỏ chói là hình vẽ một bàn tay cầm đôi đũa, gắp trọn trái đất, chạy tựa « Thời của Trung Quốc » và dòng tựa nhỏ « Một năm sau đại dịch, Bắc Kinh biểu dương sức mạnh ».
Từ ngoại giao khẩu trang đến ngoại giao vac-xin
Trong bài « Những mũi tiêm của bác sĩ Tập Cận Bình », tờ báo nhận định, là nước đầu tiên ra khỏi suy thoái, Trung Quốc liền khoe khoang thắng lợi với ngoại giao vac-xin. Có một ngạc nhiên là việc châm chích Hoa Kỳ không dừng lại khi ông Donald Trump đã ra đi. Ngược lại, nó đã chuyển thành những mũi tiêm từ khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.
Những mũi tiêm nhằm nhắc nhở Washington về quyết tâm bền bỉ của chế độ Bắc Kinh trong việc buộc thế giới phải nghe theo phiên bản về nguồn gốc đại dịch của mình. Nhưng cũng là những mũi tiêm theo nghĩa đen, với vac-xin chống Covid được chuyển đến 53 nước trên thế giới, sau đợt « ngoại giao khẩu trang » trước đây.
Một cách để cố làm người ta quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh khi để con virus độc hại từ Vũ Hán lan tràn ra toàn cầu. Để đánh bóng lại hình ảnh, sau khi đã bị phỉ nhổ vì đàn áp Tân Cương, Hồng Kông, đe dọa Đài Loan. Không ngày nào là không có loan báo về việc giao vac-xin Sinopharm hay Sinovac, trong khi phương Tây lo cung cấp cho công dân nước mình. Một loại « quyền lực mềm » hiệu quả.
Nhờ Covid, Trung Quốc xuất khẩu mạnh chưa từng thấy
Về mặt kinh tế, mới cách đây vài tháng người ta còn nói đến việc kết thúc toàn cầu hóa, quay lại với sản xuất địa phương. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ xuất khẩu nhiều như thế, nhất là sang châu Âu.
Bằng chứng là giá vận tải đường biển giữa Trung Quốc và cựu lục địa đến cuối năm 2020 đã tăng vọt 150% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trước đây một container từ Hoa lục sang đến cảng Le Havre giá 3.000-4.000 đô la, nay phải trả đến 10.000 thậm chí 12.000 đô la cho cuộc hành trình. Tất nhiên là có tác động của Covid.
Dược phẩm, thiết bị y tế, hàng điện tử thông dụng, tivi, điện thoại di động, máy tính…Trung Quốc có sẵn để cung cấp cho một châu Âu đang bị phong tỏa một phần, nhiều người phải làm việc từ xa. Cụ thể, Bắc Kinh đã xuất khẩu 220 tỉ chiếc khẩu trang y tế, 2,3 tỉ bộ trang phục bảo hộ, 1 tỉ bộ xét nghiệm. Sự lệ thuộc nặng nề này cho thấy đằng sau những bài diễn văn về chủ quyền kỹ nghệ, cần phải chờ nhiều năm, kể cả nhiều thập niên nữa. Trong khi chờ đợi, giá vận tải tăng có thể làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu thụ với những món hàng Made in China – một nỗi đau nhân đôi.
Tuyên truyền rầm rộ nhân 100 năm thành lập đảng
Chỉ mới hồi đầu năm Canh Tý, vào tháng Hai dương lịch 2020, Trung Quốc còn bị tê liệt vì một con virus bí ẩn, thành phố Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch chuẩn bị phong tỏa triệt để. Nay bước sang năm Tân Sửu 2021, đất nước đông dân nhất thế giới, « xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Hoa », lại chuẩn bị mưu đồ chinh phục toàn cầu.
Bộ máy tuyên truyền sẽ hoạt động rầm rộ trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, 01/07/2021. Sẽ là những show diễn thường trực : diễu hành chúc tụng vinh quang đảng và tổng bí thư, triển lãm hoành tráng, hàng trăm bộ phim giả tưởng, phim truyền hình nhiều tập, phim tài liệu, hoạt họa…Tất cả ca ngợi sự chuyển đổi từ một nước nghèo sau vài thập niên đã trở thành đại cường về kinh tế, công nghệ và quân sự, có thể tranh đua với Mỹ.
Chuyên gia Alice Ekman của Viện nghiên cứu an ninh Liên Hiệp Châu Âu dự báo « ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp tục lên mặt dạy đời phương Tây, nhất là những nước nào phản đối chính sách của họ hoặc từ chối công nghệ Trung Quốc ». Chẳng hạn Bắc Kinh trừng phạt Úc về thương mại vì đã đòi mở điều tra độc lập về nguồn gốc con virus ở Vũ Hán và loại Hoa Vi (Huawei) khỏi mạng 5G.
Trói buộc kinh tế, lũng đoạn các nền dân chủ
Với « ngoại giao vac-xin » và Con đường tơ lụa mới, Trung Quốc dấn lên những nước cờ tại các quốc gia mới nổi và Đông Âu. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tóm tắt : « Phương pháp gây ảnh hưởng là thiết lập sự lệ thuộc kinh tế và tài chính đối với càng nhiều nước càng tốt, đồng thời cố gắng làm các nền dân chủ yếu đi ».
Phải chăng Trung Quốc sẽ lại thắng thế trong năm 2021, vì không có đối thủ xứng tầm ? Theo L’Express, không có gì là chắc chắn vì còn rất nhiều yếu tố bất định, nhất là nợ của các công ty quốc doanh. Cuối 2020, nợ cả nước lên đến 280% GDP, và theo chuyên gia Sophie Wieviorka của Crédit Agricole, thì « Đây là một trong những điều mà Tập Cận Bình lo lắng nhất ».
Vì vậy mà có thể hiểu được đòn đánh vào Mã Vân (Jack Ma), ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, bị cáo buộc là thúc đẩy các hộ gia đình vay nợ thông qua chi nhánh Ant Financial. Từ lâu Bắc Kinh tìm cách giảm lệ thuộc vào xuất khẩu, nhưng tiêu thụ nội địa vẫn chưa thể là động lực cho kinh tế, do thu nhập của các hộ gia đình tăng quá thấp.
Tác động từ thuế quan của Mỹ, công nghệ, vac-xin… Về quan hệ Mỹ-Trung, một phần tương lai Trung Quốc tùy thuộc vào Hoa Kỳ. Liệu ông Joe Biden sẽ duy trì mức thuế của người tiền nhiệm Donald Trump đánh vào hàng Trung Quốc và trừng phạt Hoa Vi hay không ? Bắc Kinh tìm cách phát triển các công nghệ của riêng mình, nhưng liệu sẽ thành công ? Trung Quốc tiến rất nhanh về trí tuệ nhân tạo, nhưng điểm yếu lớn nhất là chất bán dẫn.
Theo nhà nghiên cứu Triệu Thông (Tong Zhao), trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, thì việc trấn áp Alibaba có nguy cơ khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư vào công nghệ mới. Tất nhiên cũng không nên đánh giá quá thấp khả năng của chế độ, với việc tài trợ ồ ạt và đội ngũ những nhà nghiên cứu, doanh nhân dân tộc chủ nghĩa.
Cũng theo ông Triệu Thông, nếu Trung Quốc không thể mở cửa biên giới nhanh bằng phương Tây – hiện có vac-xin rất tốt trong khi vac-xin Sinovac chỉ hiệu quả 50,4% – thì viễn cảnh kinh tế sẽ giảm xuống. Dù vậy, con rồng Trung Hoa vẫn giương móng vuốt, và Tập Cận Bình đang mơ đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sang năm.
Tập Cận Bình sợ bị Biden cô lập
Nhà báo Cyrille Pluyette nhận định « Tập Cận Bình lo sợ bị ‘ông bạn cũ’ Joe Biden cô lập », trong lúc cố tìm cách chia rẽ phương Tây để tránh hình thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc.
Mãi đến ba tuần sau khi bước vào Nhà Trắng, lãnh đạo của hai đại cường mới nói chuyện với nhau hôm 10/01, khoảng hai tiếng đồng hồ. Cuộc điện đàm là một vụ so găng : Biden bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về Hồng Kông, Tân Cương, hà hiếp láng giềng (nhất là Đài Loan), còn Tập Cận Bình nói rằng đó là « chuyện nội bộ ». Tuy nhiên nhà nghiên cứu Triệu Thông nhận định Trung Quốc lo sợ nhất là phải đơn thân độc mã đối mặt với một phương Tây đoàn kết. « Nếu Hoa Kỳ gây dựng lại được sức sống cho các liên minh và phối hợp với các đối tác, Trung Quốc sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn ».
Để tránh cơn ác mộng này, Bắc Kinh vội vã ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu cuối năm 2020, và một tháng rưỡi trước đó gút được hiệp định RCEP với 14 nước Châu Á-Thái Bình Dương. Là bậc thầy trong nghệ thuật « chia để trị », Trung Quốc sẽ tận dụng trọng lượng kinh tế của mình để gây áp lực lên các đồng minh của Mỹ, tránh bị cô lập.
Trung Quốc muốn gì khi tập trung cho đảo Hải Nam ?
L’Express nói về « Hòn đảo thiên đàng Hải Nam », tủ kính trưng bày tham vọng Trung Quốc ». Chỉ 9 triệu dân, Hải Nam có đến 9 khu vực miễn thuế. Riêng trung tâm thương mại Begonia Bay lớn nhất châu Á rộng đến 120.000 mét vuông, tập hợp 300 cửa hàng. Trong khi doanh số hàng xa xỉ giảm 23% trên thế giới năm 2020, tại Trung Quốc lại tăng 48% trong đó phân nửa ở Hải Nam.
Nhưng đây không chỉ là thiên đàng mua sắm, mà theo tuyên bố của Tập Cận Bình tháng 4/2019, sẽ « trở thành tấm danh thiếp của Trung Quốc », là « hình mẫu cho đất nước » trong mọi lãnh vực. Trước hết là quân sự : một phần của hạm đội 3 Trung Quốc được triển khai tại căn cứ Longpo, còn căn cứ Lingshui đón nhận một phi đội máy bay dọ thám. Ở phía bắc, Du Lâm (Yulin) là căn cứ của một phần đội tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc, có một mạng lưới đường hầm quân sự 25 kilomet vuông. Tàu sân bay Sơn Đông thường thả neo ở đây. Giá trị chiến lược là khóa chặt lối vào Hoa lục ở Biển Đông, nơi các chiến hạm Mỹ tuần tra thường xuyên. Cũng tại đây, các tàu vũ trụ được phóng lên Mặt Trăng và Hỏa Tinh. Bắc Kinh dự định chuyển đổi hòn đảo chỉ nằm cách Hồng Kông 500 kilomet thành đặc khu kinh tế. Tesla sẽ xây một nhà máy công suất hơn 1 triệu xe hơi chạy điện một năm, chính quyền lập một trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học, một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế thứ ba. Nhiều đoàn doanh nhân đã đến tham khảo, bị thu hút vì nhà nước trợ giá và thuế má rất nhẹ. Dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Hải Nam : Người đứng đầu là là Thẩm Hiểu Minh (Shen Xiaoming), quan chức có thanh thế đang lên từng làm trưởng đặc khu Thâm Quyến.
Chiếm được Đài Loan, Tập Cận Bình sẽ đi vào lịch sử
Đối với The Economist, « Trung Quốc đang đứng trước những chọn lựa ngặt nghèo, nhất là về Đài Loan ». Nhiều người Trung Quốc coi việc xâm lược Đài Loan là « thống nhất giang san », một nhiệm vụ được cho là thiêng liêng. Không có gì quan trọng hơn là tấn công hòn đảo dân chủ có 24 triệu dân, đặt Đài Loan dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản.
Nếu ngày nào đó, một chiếc limousine chống đạn treo cờ đỏ, đưa người chiến thắng là Tập Cận Bình diễu qua những con đường của thủ đô Đài Bắc, Tập sẽ trở thành hoàng đế cộng sản bất diệt. Ông ta sẽ đi vào lịch sử cùng với Mao Trạch Đông, kết thúc cuộc nội chiến vẫn chưa hoàn thành năm 1949 khi Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan.
Có thể là ông Tập phải đi xuyên qua những đường phố Đài Bắc còn đẫm máu, những ngọn lửa vẫn còn bốc cháy, vắng bóng người dân thường vì lệnh thiết quân luật. Nhưng chinh phục được Đài Loan sẽ đưa Trung Quốc lên hàng siêu cường, không nước nào còn dám đọ sức.
Quân Mỹ có kịp giải cứu ?
Nếu Tập ra lệnh cho quân đội « giải phóng » Đài Loan, trước hết ông ta phải tính toán : liệu Mỹ có chận được Trung Quốc không. Suốt 71 năm Đài Loan tồn tại như một đảo quốc độc lập, trước hết là nhờ sự răn đe của Washington trước những hành động hiếu chiến của Bắc Kinh. Trung Quốc chưa dám ra tay vì sợ quân đội Đài Loan cầm cự được cho đến khi quân Mỹ đến cứu.
Theo tuần báo Anh, thật ra khả năng Hoa Kỳ can thiệp khi Đài Loan bị xâm lược đã giảm dần, vì suốt 20 năm qua, Trung Quốc quyết tâm hiện đại hóa vũ khí và khả năng chiến đấu để giữ quân Mỹ ở một khoảng cách xa. Robert Blackwill, cựu trợ lý an ninh quốc gia của George W. Bush cho rằng bên cạnh quân sự, Mỹ còn phải « răn đe bằng địa kinh tế ». Hoa Kỳ và các đồng minh như Nhật Bản phải nói rõ, Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi hệ thống tài chính và thương mại dựa trên đồng đô la, nếu tấn công Đài Loan.
Tuy nhiên nếu trong thời chiến tranh lạnh, sự tồn tại của Tây Berlin được Mỹ và NATO coi là lợi ích sống còn, thì ngày nay khó có được sự đồng thuận này. Có thể nào coi Đài Loan là lợi ích thiết thân, với nguy cơ làm Bắc Kinh – thường là đối tác thương mại quan trọng – giận dữ ? Còn đối với nhiều người Trung Quốc, chiếm được Đài Loan cũng là vị trí lãnh đạo thế giới của siêu cường Mỹ kết thúc. Nếu cho rằng sẽ thành công với một cái giá chấp nhận được, Bắc Kinh sẽ hành động.
Thụy My – RFI