Chính phủ Liên Bang Úc Châu muốn giải quyết định vấn đề người thất nghiệp và công ăn việc làm tại miền quê bằng cách đưa người thất nghiệp từ thành thị về miền quê làm việc, trước khi nhận thêm di dân tay nghề từ nước ngoài. Được biết chính phủ Morrison muốn giải quyết một lúc 2 vấn đề: Những người lãnh tiền trợ cấp và đi kiếm việc làm, nếu không nhận làm việc nơi vùng quê, thì có thể bị cúp trợ cấp 1 thời gian. Chính sách này nhằm giải quyết nạn khan hiếm lực lao động ở vùng quê, đến nỗi các nông trại hay công ty phải kêu gọi chính phủ cho phép người nước ngoài đến làm việc, trong khi tại thành thị số người không có việc làm thì ứ đọng.
Tiểu bang Nam Úc Châu là một điển hình, vùng quê Murray Bridge dân số cứ giảm dần, chỉ cách thành phố Adelaide chưa đầy trăm cây số, nhiều nhà máy hãng xưởng, nông trại, khó khăn lắm mới có đủ số công nhân làm việc thế nhưng tại thành phố Adelaide thì số thất nghiệp thuộc loại cao nhất nhì trong cả nước! Những năm vừa qua hãng xưởng, nông trại heo etc.. phải tuyển công nhân từ nước ngoài, kể cả Việt Nam. Trong khi những công việc ấy chẳng phải là chuyên môn (skills – tay nghề) gì cả. Người bình thường cũng có thể làm.
Tháng 9 vừa qua Bộ trưởng Thương mại tiểu bang ông David Ridgway đã họp với Tổng trưởng Kế hoạch và Dân số Alan Tudge cùng Tổng trưởng Di trú David Coleman tại Canberra, đề nghị cho tiểu bang Nam Úc một chính sách di dân đặc biệt ‘điền vào chỗ trống’ ở các vùng quê. Nghĩa là tạo điều kiện cho di dân tay nghề đến Nam Úc và cư ngụ tại các thị trấn vùng quê và vùng xa.
Thị trưởng vùng Murray Brigde nói rằng: “chúng tôi chẳng bao giờ có đủ người để đáp ứng những công ăn việc làm, chúng tôi mong nhiều di dân đến và ở đây làm việc”. Ông Morrison đã đích thân đến vùng Murray Bidge hôm 13/10/18 để xem xét tình hình trong khi chính phủ đẩy mạnh chính sách mới về người thất nghiệp và việc làm tại vùng quê.
Nhìn một cách khách quan, đa số dân chúng tập trung trong thành phố vì tiện nghi và tiện lợi như y tế, giáo dục etc.. Tuy nhiên, giữa thành phố và những vùng quê tại Úc không khác nhau lắm về mức độ sống. Nhưng người ta có khuynh hướng sống ở thành phố hơn vì nhiều lý do khác nữa. Ở những nước châm phát triển thì đa số người nghèo sống ở miền quê. Ngược lại, phát triển như Úc thì người nghèo tìm về thành phố dù là thất nghiệp.
Nông nghiệp tại Úc phát triển mạnh vì sản phẩm thượng hạng và tinh khiết được ưa chuộng tại nhiều quốc gia. Nhưng sự phát triển ấy tùy thuộc khá nhiều vào bộ phận công nhân. Có những nơi không tìm ra người gặt hái trái cây khi chín mùa. Trong khi tại thành phố số thất nghiệp cao, ngồi chơi lãnh tiền trợ cấp. Chính phủ Tiểu bang Nam Úc với kế hoạch tăng dân số bằng cách tạo điều kiện cho di dân từ nước ngoài tới ở những vùng quê, vùng xa. Tuy nhiên với hiện trạng này, liệu số di dân kia có chịu sống tại miền quê lâu dài hay không?
Việc sắp xếp cho những người thất nghiệp ‘triền miên’ có việc làm ở miền quê, miền xa là cách khả thi và hiệu quả nếu như chính phủ có kế hoạch và quyết tâm cụ thể. Ví dụ vùng Murray Bridge với Adelaide khoảng cách không xa lắm, việc di chuyển đi làm có thể diễn ra hàng ngày hay hàng tuần. Giải quyết nạn thất nghiệp ngay tại Úc trước khi đưa di dân vào là điều hợp lý. Trừ những trường hợp di dân tay nghề đặc biệt mà Úc khan hiếm. Đa phần công việc trong các nông trại là lao động tay chân, không cần chuyên môn và kỹ năng chuyên nghiệp.
Úc là quốc gia rộng về địa lý nhưng dân số lại ít, khích lệ việc di dân là phải. Tuy nhiên, chính phủ cần có kế hoạch và từng bước giải quyết chuyện nội bộ trước. Nếu nạn thất nghiệp tại Úc xuống 0% thì số di dân cần phải đến, để đáp ứng nhu cầu lao động. Nhưng nếu thất nghiệp lên đến 6% thì tại sao không hoạch định để số thất nghiệp kia có việc làm trước đã. ‘Một hòn đá ném 2 con chim’ là thế, vừa giải quyến nạn thất nghiệp, tiết kiệm ngân quỹ quốc gia, vừa có lực lượng lao động cần thiết.
Nói tóm, nhiều thập niên qua xã hội Úc đã quá dễ dãi trong vấn đề thất nghiệp và di chuyển chỗ ở. Đã đến lúc cần phải có xem xét lại vấn đề này. Việc phân bố dân số của chính phủ, quyền lợi và trách nhiệm của người dân cần phải được cân bằng từ hai phía, chính phủ có trách nhiệm sắp xếp và tạo điều kiện cho dân chúng sống thoải mái tại các vùng quê, vùng xa. Ngược lại, người dân cũng cần phải có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình mình bằng cách làm việc để có tiền sinh sống. Không lệ thuộc vào tiền đóng thuế của người khác. Được như thế, có lẽ sẽ giải quyết, ít nhất là sự khan hiếm lực lao động nơi vùng quê và dân số tại đó sẽ ổn định hơn.
Adelaide Tuần Báo