Trump nổi bật nhất trong thượng đỉnh G20, tại Osaka Nhật Bản, thậm chí người ta chẳng còn để ý có ai đến tham dự và ai không tham dự, ngay cả nghị trình của G20 là vấn đề gì cũng mờ nhạt. Thực vậy, hầu như ai cũng xoay quanh việc TT Trump gặp người này, tiếp cận người kia bên lề thượng đỉnh. Người ta còn ngạc nhiên đến chóng mặt khi chỉ chưa đầy 24 giờ (sau thượng đỉnh) Trump đã đến biên giới giữa Nam và Bắc Hàn, bước sang lãnh thổ Bắc Hàn, bắt tay trò chuyện và cùng Kim Jong Un bước qua lãnh thổ Nam Hàn, ngồi nói chuyện gần 1 tiếng đồng hồ.
Nhiều người cho rằng đây là chuyện đột xuất và ngẫu hứng nhưng xét cho kỹ, nó đã được chuẩn bị trước, mà 2 nhà lãnh tụ hầu như đã đồng ý nhưng không công bố để tạo tiếng vang bất ngờ. Bởi vì không thể ngẫu hứng mà Kim Jong Un lại (có thể) có mặt ngay biên giới trong khoảng khác ngắn. Cách thức của Trump hành xử luôn tạo sự ngạc nhiên, ông đạo diễn và thủ vai xuất sắc trên bàn cờ ngoại giao trong vấn đề này. Trong khi Kim Jong Un cũng không kém, ông ta dùng cơ hội này để giảm nhẹ thất bại trước đây. Hẳn nhiên uy tín của ông ta càng tăng trên ván cờ quốc tế.
Nói đến Kim Jong Un, mới 35 tuổi nhưng độc tài với bàn tay sắt, sẵn sàng ra tay diệt trừ, kể cả anh trai cùng cha khác mẹ. Nếu nói về tính dã man thì ông ta thuộc loại có hạng, đại diện cho những thể chế vô nhân bản nhất thế kỷ này. Trong khi đó, Trump đại diện cho khối tự do và dân chủ và hiện thân của thế giới đề cao nhân quyền. Hai khuynh hướng trái nghịch, thế mà lại gặp nhau. Xa hơn nữa Trump và Kim đều đánh giá cao lẫn nhau. Họ đóng kịch ngoại giao giỏi thật!
Trump và Kim đã gặp nhau 3 lần, thế mà kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn vẫn còn nguyên và lệnh cấm vận Bắc Hàn (từ Hoa Kỳ và khối tự do) vẫn còn đó. Nghĩa là chưa có một thỏa thuận cụ thể nào xa hơn là những tuyên bố suông. Những dấu hiệu cho thấy Trump đang có chiều hướng mềm mỏng hơn trên Bắc Hàn (phải giải giới Hạt Nhân). Việc thủ đắc vũ khí Hạt Nhân của Bắc Hàn xem ra lại là lợi thế không chỉ về quân sư mà giờ đây tác động trên vấn đề chính trị và dĩ nhiên sẽ đến kinh tế trong tương lai. Trump đã nói với Kim tại Singapore, nếu Bắc Hàn từ bỏ Hạt nhân thì sẽ có nền kinh tế không thua Nam Hàn.
Trump và Kim dù chỉ bằng mặt chứ chưa bằng lòng, nhưng uy tín của họ hẳn nhiên tăng lên đối với dân chúng của 2 quốc gia sở tại và dư luận thế giới. Dù mặt chìm của nó còn dày cộm đầy mâu thuẫn và đối chọi. Dĩ nhiên cả 2 đều có những tính toán nhằm chiếm thế thượng phong, thậm chí tiêu diệt nhau. Nếu Bắc Hàn và TQ mạnh hơn Hoa Kỳ về kinh tế và quân sự thì khỏi phải bàn, họ sẽ tiến hành chiến tranh tiêu diệt đối phương, dù có phải hy sinh hàng triệu nhân mạng, vì đó là bản chất của cs. Ngược lại, Hoa Kỳ không thể làm được như thế vì tính nhân bản vẫn là kim chỉ nam cho hành động chính trị và quân sự.
Trump và Kim có đạt được thỏa thuận là giải giới Hạt Nhân và bỏ cấm vận hay không nó tùy thuộc nhiều yếu tố, mà theo các nhà quan sát viên vẫn là thiện chí của Bắc Hàn trong đó TQ và Nga có phần. Bởi vì Bắc Hàn là con bài trong ván cờ TQ đối đầu với thế giới tự do. Hay nói đúng hơn, TQ dùng Bắc Hàn để cản trở sự lớn mạnh của Hoa Kỳ tại Á Châu. Báo chí thế giới đưa ra nhận xét trái chiều nhau về cuộc gặp đột xuất này. Nhưng tựu chung vẫn cho rằng việc Trump gặp Kim tại Bàn Môn Điếm là cử chỉ tích cực, dù cho tương lai không biết ra sao.
Nhìn vấn đề một cách khách quan, Trump dày dạn trong kinh tế và ông quả nhiên làm chính trị theo phong cách hoàn toàn không giống ai, ông ta thay đổi thái độ từ việc đòi tiêu diệt tận gốc chế độ họ Kim cho đến nâng cao và đặt Kim ngang hàng với mình. Kim là một lãnh tụ đồ tể và ác độc vào bậc nhất, ông ta tiếp tục thủ đắc vũ khí Hạt Nhân và vẫn là đồng minh trung thành của Bắc Kinh, luôn coi Mỹ là kẻ thù số 1 phải tiêu diệt. Bản chất ấy chưa hề thay đổi. Thế nhưng vẫn tranh thủ cơ hội để hòa hoãn và làm thân với Mỹ. Vị trí của Bắc Hàn nâng cao trong bàn cờ quân sự và chính trị quốc tế chỉ vì họ có vũ khí Hạt Nhân và tính bất khuất phục, dù bị trừng phạt kinh tế và dân của họ nhiều năm chết đói.
Những gì đã xảy ra trong 18 tháng qua, đã tạo không ít ngạc nhiên cho thế giới. Hẳn nhiên 18 tháng tới cho nhiệm kỳ lãnh đạo của Trump, người ta sẽ còn nhiều ngạc nhiên nữa. Có lẽ (cho đến lúc này) dư luận trong và ngoài Hoa Kỳ đều mong đợi Trump sẽ tái đắc cử thêm nhiệm kỳ mới vào năm 2020 vì những gì đã xảy ra phần lớn, có chiều hướng tích cực, mang tính cách xây dựng hơn là phá hủy, viễn tượng của hòa bình hơn là chiến tranh và đặc biệt là tái ổn định trật tự thế giới mà bấy lâu nay bị Tầu Cộng toan tính thay đổi. Thế giới không thể bị cai trị và nằm dưới sự kiểm soát của chế độc tài Tầu Cộng vì bản chất xấu xa và vô nhân bản của nó. Hy vọng dưới sự lãnh đạo của Trump những ngạc nhiên mà thế giới chờ đợi, tiếp tục có chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực.
Adelaide Tuần báo