Đó sẽ là một thế giới đầy ắp sự sống, hay vẫn là một phiên bản giống như ngày nay với sự thống trị của một loài linh trưởng thông minh khác?
Kể từ khi con người hiện đại (Homo sapiens) xuất hiện, chúng ta đã để lại dấu chân của mình trên khắp hành tinh. Với dáng đứng thẳng và hai bàn tay được giải phóng khỏi mặt đất, con người đã có thể sử dụng công cụ, tạo ra nền nông nghiệp, biến đổi thế giới và xây lên những thành phố ngày nay.
Nhưng cũng với chính bàn tay ấy, chúng ta đã giết chết và làm tuyệt chủng rất nhiều loài động thực vật. Một ước tính cho thấy con người đã làm tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài sinh vật trên Trái Đất lên gấp 100 lần.
Sự có mặt của Homo sapiens tương đương với sự kiện tuyệt chủng trong kỷ Phấn trắng-Cổ sinh, khi một thiên thạch đã xóa sổ 80% các loài động vật, bao gồm cả khủng long vào 66 triệu năm trước.
Nói cách khác, con người đã va vào hành tinh này giống như một tiểu hành tinh, và lớp bụi mà chúng ta để lại vẫn còn đang lắng xuống khi số lượng động vật hoang dã vẫn tiếp tục suy giảm.
Vậy sẽ thế nào nếu như con người chưa từng tồn tại?
Thay vì chỉ nhỏ như một quả bóng đá, những con tatu trong thế giới không có loài người có thể lớn cỡ một chiếc xe hơi.
“Tôi nghĩ Trái Đất sẽ có nhiều cây cối hơn với vô số các loài động vật có kích thước lớn, sống trên khắp các lục địa ngoại trừ Nam Cực“, phó giáo sư Trevor Worthy, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Flinders, Australia cho biết. Bạn sẽ thấy những con chuồn chuồn dài tới 1 mét, rùa khổng lồ nặng trên 1 tấn và tất nhiên có cả những con voi ma mút.
Nhưng có một khả năng khác, đó là sự biến mất của Homo sapiens sẽ mở đường cho các loài người khác như Neanderthal thống trị hành tinh và nắm quyền. Vì vậy, có thể thế giới đó sẽ không khác biệt lắm, ngoại trừ ngồi trong một chiếc BMW ở Châu Âu lúc này là một người đàn ông Neanderthal mặc vest, có cái miệng rộng và cái mũi khổng lồ.
Hãy cùng xem xét cả hai khả năng đó có thể xảy ra như thế nào?
Một Trái Đất giống như Serengeti
Sören Faurby, một giảng viên cao cấp về động vật học tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển cho biết con người là loài động vật phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của nhiều loài động vật khác, nhất là các loài có vú lớn đã tuyệt chủng trong vòng 1.000 năm trở lại đây.
Năm 2015, Faurby đã dẫn đầu một nghiên cứu công bố trên tạp chí Diversity and Distributions khẳng định nếu không có sự hiện diện của loài người, toàn bộ Trái Đất sẽ vẫn còn nguyên sơ như khu vực Serengeti ở miền bắc Tanzania ngày nay.
Đó là một hệ sinh thái Châu Phi đầy ắp sự sống với các loài voi, tê giác và sư tử. Môi trường sống của các loài động vật này sẽ được mở rộng ra khắp toàn cầu. Ví dụ, thay vì ngày nay chúng ta chỉ còn thấy sự hiện diện của sư tử Châu Phi (Panthera leo), trong một thế giới không có con người, có lẽ loài sư tử hang động (Panthera spelaea) sẽ vẫn còn sống.
Panthera spelaea là những con sư tử từng sống ở Châu Âu cho đến khoảng 12.000 năm trước. Chúng có chiều cao trung bình 1,2 mét, dài 2,1 mét, thậm chí còn lớn hơn cả sư tử Châu Phi ngày nay.
Nếu không có sự hiện diện của loài người, toàn bộ Trái Đất sẽ vẫn còn nguyên sơ như khu vực Serengeti ở miền bắc Tanzania ngày nay.
Về phần Châu Mỹ, sự biến mất của con người sẽ cho phép các quần thể voi và gấu khổng lồ cư trú trên lục địa này. Cùng với đó là những con tatu armadillo to cỡ xe hơi và những con lười đất nặng tới hơn 1 tấn. Trong so sánh, những con tatu ngày nay chỉ nhỏ bằng một quả bóng còn những con lười không nặng quá 10 kg.
Faurby cho biết trong một thế giới không có con người, bạn sẽ thấy các loài thú có vú khổng lồ xuất hiện. Nhưng đó không phải tin tốt cho các loài thực vật. “Nếu bạn thấy sự đa dạng của các loài động vật có vú lớn hơn, bạn cũng sẽ có xu hướng thấy một môi trường sống thoáng đãng hơn nhiều“, ông nói.
Đó là do các loài động vật lớn thường giẫm đạp thảm thực vật, thậm chí quật đổ cả những cái cây lớn. “Nếu loài động vật nào đó đủ lớn, nó sẽ dễ dàng hất đổ một cái cây chỉ để ăn được những phần lá non trên ngọn. Nếu bạn thấy hàng tá động vật có vú lớn, thảm thực vật sẽ ít xuất hiện hơn”, Faurby nói.
Voi ma mút sẽ không bị tuyệt chủng
Nói về các loài động vật có vú khổng lồ, chúng ta không thể không nhắc đến các loài megafauna đã từng sống trong thời kỳ băng hà cuối cùng của kỷ Pleistocen (từ 2,6 triệu đến 11.700 năm trước). Megafauna là những loài động vật lớn với kích thước vượt bậc so với tất cả các loài vật thuộc họ hàng của chúng ngày nay.
Chẳng hạn như những con chuồn chuồn dài tới 1 mét, các loài đà điểu cao tới 4 mét và rùa khổng lồ nặng hơn 1 tấn. Đã có khoảng 38 chi động vật megafauna tuyệt chủng trong kỷ băng hà cuối cùng, trong đó có voi ma mút.
Những loài megafauna có lẽ vẫn sẽ còn tồn tại ở Châu Mỹ nếu con người không xuất hiện.
Một nghiên cứu năm 2021 công bố trên tạp chí Nature kết luận biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của voi ma mút lông cừu (Mammuthus primigenius). Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học bao gồm Faurby không đồng ý.
Họ cho rằng hoạt động của con người, chẳng hạn như săn bắn quá mức mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của các loài megafauna và sự biến mất của voi ma mút.
Faurby thừa nhận voi ma mút đã phải đối mặt với một thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Ở cuối kỷ Pleistocen, Trái Đất ấm lên và trở nên ẩm ướt hơn, điều này khiến các loài cỏ thích nghi với khí hậu lạnh và khô, thức ăn chính của voi ma mút bị suy giảm.
Nhưng Faurby nói vẫn còn một quần thể voi ma mút sống sót qua được giai đoạn đó. Cỏ vẫn đủ để nuôi sống chúng. Chỉ có điều, con người đã săn bắn voi ma mút rất nhiều, khiến chúng bị tuyệt chủng.
“Lẽ ra, voi ma mút có thể sống cho đến tận ngày nay nếu không phải chịu thêm áp lực bổ sung mà con người gây ra cho chúng”, Faurby nhấn mạnh.
Đồng ý với ông ấy là Christopher Doughty, một phó giáo sư và nhà sinh thái học đến từ Đại học Bắc Arizona. Trong một nghiên cứu của mình, Doughty đã mô hình hóa cách các loài động vật lớn phân phối hạt giống và chất dinh dưỡng xung quanh chúng, thông qua quá trình ăn uống và đại tiện.
Công trình nghiên cứu của ông cho thấy việc vận chuyển các nguyên tố như phốt pho, canxi và magiê, những nguyên tố quan trọng đối với sự sống, đã giảm hơn 90% sau sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn.
Nếu không có con người, voi ma mút sẽ vẫn còn tồn tại.
Doughty đưa ra giả thuyết rằng nếu không có con người, các nguyên tố hỗ trợ sự sống đó sẽ được phân bổ đồng đều hơn. Hệ quả là đất sẽ màu mỡ hơn, làm cho toàn bộ hệ sinh thái có được năng suất cao hơn.
Trái lại, con người có xu hướng tập hợp các nguyên tố lại với nhau thông qua hoạt động như nông nghiệp. Họ tạo ra các khu vực có hàng rào khiến những khu vực này trở nên kém màu mỡ hơn theo thời gian. Như một hệ quả tất yếu, sự có mặt của con người đã khiến cho thế giới động vật kém đa dạng ngay từ hoạt động nông nghiệp của họ, không nhất thiết thông qua săn bắn.
Người Neanderthal sẽ mặc vest
Khi nói đến một thế giới không có con người chúng ta, điều đó nghĩa là không có sự hiện diện của Homo sapiens. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta không phải là loài người hominin tồn tại duy nhất. Sự biến mất của Homo sapiens thậm chí có thể tạo điều kiện cho các loài khác, ví dụ như người anh em họ Neanderthal của chúng ta phát triển.
Các nhà khoa học không chắc tại sao người Neanderthal lại tuyệt chủng cách đây khoảng 40.000 năm, nhưng vì họ có lai với Homo sapiens, các phần DNA của người Neanderthal vẫn tồn tại trong một số chúng ta. Có thể có nhiều lý do dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal, nhưng có lẽ chính chúng ta, Homo sapiens mới là nghi phạm chính.
Giáo sư Chris Stringer, trưởng nhóm nghiên cứu về nguồn gốc loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho rằng sự cạnh tranh về tài nguyên là yếu tố dẫn đến sự biến mất của người Neanderthal.
“Nếu Homo Sapiens chúng ta không [rời Châu Phi để] đến đây, nếu 45-50.000 năm trước chúng ta không đến nơi bây giờ là Châu Âu, tôi nghĩ họ [người Neanderthal] có thể sẽ vẫn còn ở đây”, Stringer nói.
Ngồi vào vị trí của những người Homo sapiens ở Liên Hợp Quốc lúc này sẽ là những người Neanderthal và Denisovan mặc vest.
Theo vị giáo sư, người Neanderthal đã phát triển được một xã hội phức tạp hàng đầu ở Châu Âu, tương tự như người Homo sapiens hiện đại. Chỉ có điều họ có số lượng ít hơn, mức độ da dạng di truyền thấp hơn và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu khá kém.
Sự xuất hiện của Homo sapiens trong lãnh thổ của họ sẽ khiến nguồn thức ăn bị cạnh tranh và loài nào thích nghi kém hơn sẽ bị tuyệt chủng. “Tôi nghĩ chính sự xuất hiện của người hiện đại [tổ tiên của chúng ta] đã thêm vào các khó khăn khiến người Neanderthal không vượt qua được”, Stringer nói.
Nhưng sự nổi lên của Homo sapiens không chỉ kìm hãm và làm tuyệt chủng người Neanderthal, các nhà khoa học trong những năm gần đây còn phát hiện thêm một nạn nhân nữa: người Denisovan.
Người Denisovan được cho là có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sau đó đã di cư theo hai hướng, một đi về phía nam đến Châu Đại Dương, hai là đi về phía tây, sang lục địa Á Âu. Một số gen của người Denisovan hiện vẫn còn lưu truyền ở khu vực Đông Nam Á và New Guinea.
Họ được cho là giống người hominin có khu vực sinh sống, đa dạng di truyền và thậm chí thích nghi tốt hơn cả người Neanderthal. Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng của Homo sapiens, người Denisovan dường như cũng biến mất vì không chịu được áp lực.
Do vậy, trong một thế giới giả tưởng mà vì lý do nào đó Homo sapiens bị tuyệt chủng trước, cả người Neanderthal và người Denisovan có lẽ sẽ vẫn còn tồn tại. Bằng chứng khảo cổ còn cho thấy người Denisovan trong chuyến hành trình về phương tây đã hòa huyết với người Neanderthal ở khu vực Siberia ngày nay.
Là một giống hominin với bộ não to, cả người Neanderthal và Denisovan đều có khả năng phát triển tương đương với Homo sapiens. Bởi vậy nếu họ sống sót và thay thế chúng ta, các nhà khoa học cho rằng họ cũng sớm chuyển từ săn bắn hái lượm sang phát triển nông nghiệp, rồi tạo ra một thế giới công nghiệp.
Thế giới sẽ không có quá nhiều khác biệt, nếu có một loài người khác vượt lên trên Homo sapiens để nắm quyền.
“Không có bất cứ lí do nào cản trở người Neanderthal hoặc người Denisovan làm được điều đó”, Stringer nói. Vì vậy, một thế giới không có Homo sapiens thì còn có Neanderthal và Denisovan.
Có thể những giống người này vẫn sẽ xây dựng nên các thành phố, các nền văn mình và quốc gia. “Họ cũng có thể mắc phải những sai lầm như chúng ta từng mắc phải“, Stringer nói.
Sẽ vẫn có những cuộc thế chiến và Trái Đất vẫn sẽ nóng lên. Chỉ có điều, ngồi vào vị trí của những người Homo sapiens ở Liên Hợp Quốc để giải quyết điều đó lúc này sẽ là những người Neanderthal và Denisovan mặc vest.
Thế giới sẽ không có quá nhiều khác biệt, nếu có một loài người khác vượt lên trên Homo sapiens để nắm quyền. Trừ khi tất cả những người họ hàng hominin của chúng ta đều biến mất.