Tuần qua dân số Úc đã vượt qua con số 25 triệu, dựa vào thống kê với những con số cụ thể cho ta một khái niệm hay hay. Cứ 61 giây (second) thì có một di dân đến Úc và cứ 111 giây thì có một người rời Úc đi định cư nước khác. Cũng thế, cứ khoảng 102 giây thì có một trẻ sinh ra tại Úc và cứ 3 phút 16 giây thì có một người qua đời.Tựu chung số người ‘dôi ra’ gấp đôi số người ‘mất đi’. Đó là lý do tại sao theo dự báo cách 20 năm, phải đến 2041 dân số Úc mới đạt con số 25 triệu. Thế nhưng mới tháng 8/2018 con số này đã đạt tới. Quan điểm trước đã nói về di dân và việc hội nhập để căn tính quốc gia Úc lớn mạnh và sự hài hòa cần thiết cho một xã hội đa văn hóa, cùng một chung điểm: Quốc gia Úc Châu duy nhất.
Trên the Advertiser ngày 10/8 nhà phê bình xã hội David Penberthy có bài tựa “Doors will slam shut on Marshall migrant push”. Ông nói rằng, chính ông là người ủng hộ di dân cũng cần phải chừng mực lại quan điểm của mình vì bài học quá khứ và hiện tại. Khi ông nêu lên thời gian sống tại Sydney 2005 vụ bạo loạn trên bờ biển Cronulla, giữa di dân và dân bản xứ. Căng thẳng ấy tạo ra 2 thế đối lập quyết liệt chống và quyết liệt ủng hộ di dân bằng mọi giá. Theo ông năm nay trên 111 ngàn di dân tay nghề đến Úc thì có tới 87% trong số ấy chọn sống ở Sydney và Melbourne, mặc dù đời sống tại 2 tiểu bang này đều mắc mỏ. Trong khi Thủ Hiến Marshall của Nam Úc Châu đẩy mạnh tăng di dân tay nghề để tạo cơ hội cho nền kinh tế tiểu bang phát triển hơn! Điều này xem ra khó khả thi vì mức thu hút di dân tay nghề định cư tại đây xem ra không mấy sáng sủa vì nhiều lý do, lý do quan trọng nhất là cơ hội việc làm (jobs opportunity). Phải chăng cơ sở hạ tầng và tiềm năng tại đây không thể cất cánh nổi bởi những lý do, mà trong đó luật thuế má của chính phủ làm ngăn cản không ít những nhà đầu tư có ý định đặt cơ sở tại đây.
Theo cái nhìn của ông Penberthy và một số chính khách ôn hòa về vấn đề di dân thì việc tăng di dân là điều tự nhiên. Nhưng cùng một lúc, phải chuẩn bị những ‘khoảng trống’ để có thể nhận vào, nói một cách khác, những cơ sở hạ tầng phải được xây dựng và tiến hành song song với số di dân nhập vào. Điển hình là Sydney hiện nay, dân số tăng nhanh, xe cộ thường xuyên kẹt, phương tiện di chuyển công cộng quá tải, mất vài giờ mới tới sở làm hay trường học, chỗ ở mắc mỏ và chen chúc etc..
Nhìn vấn đề một cách khách quan, di dân trong những thập niên gần đây với tốc độ nhanh và nhiều, phản ánh sự phát triển thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu. Những quốc gia nhận di dân phần lớn là các quốc gia có nền văn minh Tây Phương. Cụ thể là Úc Châu, Âu Châu và Mỹ Châu. Bức tranh các xã hội Tây phương ấy hiện nay thay đổi đáng ngại trong khi xã hội tự nó nổi cộm những mâu thuẫn giữa người di dân và bản xứ. Cụ thể nhất là vấn đề ồ ạt di dân gần đây từ Trung Đông và Phi Châu đến các nước Tây Âu. Một sự cọ sát, va chạm văn hóa không hề có sự chuẩn bị trước.
Phát xuất từ tính nhân bản của văn hóa Tây Phương, lòng nhân đạo của các nước này đã bị lạm dụng. Hiện nay xã hội Âu Châu đang đối diện với những thử thách lớn. làm sao dung hòa được những nền văn hóa cố tạo ảnh hưởng nhưng lại mang tính đối chọi và không chấp nhận hội nhập? Xã hội Úc trong những năm gần đây nhờ sự cảnh giác của chính phủ trong việc cân bằng và trật tự việc di dân. Những vấn đề xung khắc và mâu thuẫn ít xuất hiện. Tuy nhiên cả 2 phía cực Hữu là hạn chế di dân tối đa, chỉ nhận và tuyển lọc theo chiều hướng chủng tộc. Ngược lại khuynh hướng thiên Tả, cực đoan lại cho phép và chấp nhận bất cứ di dân và không cần xét đến hậu quả. Theo hướng nào trong 2 lối cực đoan ấy đều không thích hợp cho thời đại với nhiều phức tạp hiện tại. 3 nguồn gốc sắc dân đến Úc nhiều nhất trong những năm gần đây là Trung Quốc, Trung Đông và Ấn Độ. Để dung hòa và duy trì sự hài hòa cho xã hội đa văn hóa và phát triển kinh tế lâu dài thì chính phủ cần phải cân bằng vấn đề di dân. Cân bằng như thế nào là một lãnh vực khác không thể bàn ở đây nhưng trước mắt là chính phủ Úc phải có kế hoạch lâu dài để đáp ứng với di dân đến trong công ăn việc làm và những khía cạnh khác về xã hội, văn hóa, y tế cũng như chính trị. Tất cả những yếu tố trên mà được cân bằng thì vấn đề dân số và di dân khả dĩ dung nạp được và có thể tránh những mâu thuẫn nội tại sẽ xảy ra.
Adelaide Tuần Báo