ADELAIDE TUẦN BÁO – Vụ bắn vào đám đông gây tử thương 58 và bị thương trên 500 người tại Las Vegas, thêm một lần nữa, thế giới kinh hoàng về văn hóa ‘súng ống’ tại Hoa Kỳ. Bắn giết lẫn nhau… như cơm bữa, chẳng trừ nơi chốn, thời gian. Nếu cộng số người chết vì súng đạn không liên quan đến khủng bố, có lẽ cao hơn con số chết vì khủng bố gây ra. Tại sao một xã hội có pháp luật thượng tôn, đề cao tự do và nhân quyền, sung túc vào bậc nhất thế giới, đất nước của rất nhiều cơ hội và tiên tiến hầu hết các lãnh vực mà người ta mơ ước được đến định cư, lại đáng sợ vì súng đạn đến thế?
Tin tức về vụ bắn súng vào đám đông ở Las Vegas đêm 01/10/2017
Theo thống kê của 2 đại học Harvard và Northeastern (Time Magazine 16/10/17) đăng tải:
có tới 265 triệu khẩu súng lưu giữ trong dân Mỹ. Nếu dân số cả hiệp chủng quốc Hoa kỳ khoảng 330 triệu thì bình quân cứ 5 người sở hữu 4 cây súng!
Nhưng số súng này nằm trong tay khoảng 30% dân số. Nghĩa là có người sở hữu hàng chục hay hàng trăm cây súng, như trường hợp Stephen Paddock sở hữu ‘hợp pháp’ 44 cây súng lớn nhỏ!
Nhận xét của các quan sát viên và các nhà làm luật thì Hội Súng Trường Quốc Gia (National Rifl e Association – NRA) là 1 trong 3 tổ chức có sức ảnh hưởng trên chính trị quốc nội Hoa Kỳ nhiều nhất. Nhận xét của Giáo sư Luật Adam Winkler thuộc đại học California thì NRA có khả năng khuynh đảo cử tri các cuộc bầu cử ở những đơn vị suýt soát (The NRA’s power comes from the ability to swing voters in tight, close elections). Được hình thành từ năm 1871, NRA hoạt động pháp lý kể từ 1934, có khoảng 5 triệu hội viên (2013). NRA chống lại bất cứ ai, kể cả các chính trị gia từ Tổng Thống trở xuống, muốn hạn chế quyền được làm chủ súng ống của họ. Sự lớn mạnh theo thời của hội này có lẽ cũng ăn khớp (tỉ lệ thuận) với con số dân Mỹ bị chết vì súng đạn ngày càng tăng. Cũng theo Time Magazine, và nhận xét của học giả Ngô Nhân Dụng thì các nhà làm chính trị Hoa kỳ không dám đụng chạm đến việc hạn chế hay cấm lưu giữ súng tại Hoa Kỳ vì họ có thể mất ‘ghế’! Nhưng theo ông Ngô Nhân Dụng, dù NRA rất mạnh, sẽ đến lúc phải có thay đổi. Cũng như phong trào hút thuốc lá hồi thập niên 60 là ‘tiêu chuẩn sang trọng’ của xã hội và được quảng bá rộng rãi lúc bấy giờ, nhưng khi con người biết tác hại cho sức khỏe thì người ta sẽ hạn chế và cấm cản.
Nhiều người tháo chạy trong vụ bắn súng vào đám đông ở Las Vegas đêm 01/10/2017
Nhìn vấn đề một cách khách quan, những vụ giết tập thể bằng súng tại Mỹ cho ta thấy mặt trái của một xứ sở quá tự do. Vì tự do quá độ về vấn đề súng ống đang làm cho xã hội Mỹ trở nên yếu đi và… mất tự do theo nghĩa an toàn. Tâm lý xã hội trở nên bất an, sợ sệt. Không chỉ cho dân thường mà cả những người sở hữu súng ống. Khoảng 35% dân Mỹ cho rằng sở hữu súng làm cho xã hội an toàn hơn! Suy xét như thế có phải là điều sai lầm tệ hại chăng? Phải nói rằng, nếu nước Mỹ không có những thay đổi về luật tư hữu súng thì không cần phải chiến tranh từ bên ngoài. Ngay trong nước Mỹ với số 265 triệu súng cũng đủ giết chết hết lẫn nhau!
Hãy nhớ lại năm1996 tại Úc khi Martin Bryant nhả súng vào đám đông du lịch tại Port Arthur Tasmania, giết chết 35 và gây thương tích cho 23 người đã đi vào lịch sử bạo động của xã hội Úc lúc bấy giờ. Nhân cơ hội ấy chính phủ John Howard siết chặt luật lưu giữ súng đạn. 600 ngàn vũ khí tự nguyện trao cho chính phủ để tiêu hủy. Kể từ đó không có cuộc tàn sát tương tự. Quyết sách này của chính phủ đã được dân chúng hết lòng khen ngợi. Nhiều chính khách Mỹ cũng muốn bắt chước Úc, nhưng điều này rất khó vì những lý do sau đây:
– Tại Mỹ, những nhà tài phiệt sản xuất vũ khí hậu thuẫn cho NRA bằng mọi giá để duy trì quyền tư hữu súng ống, vì đó là mối bán hàng có lợi to lớn của họ. Số lượng 265 triệu khẩu súng và hàng năm, đạn dược, tân trang… có thị trường nào tiêu thụ nhiều súng đạn như thế!
– Các nhà làm chính trị tại Mỹ không dám mạnh dạn siết chặt luật mua bán súng ống, kể cả TT Trump. Vì họ sợ bị mất ghế, sợ bị đánh bại bởi vận động của NRA có ảnh hưởng quá mạnh. Theo tạp chí Time, năm 2000 ông Donald Trump bày tỏ dứt khoát quan điểm siết chặt luật lưu giữ súng tại Hoa Kỳ. Thế như hồi tháng Tư 2016, để bắt đầu tranh cử, ông Trump đã đọc diễn văn trước đại hội của NRA để tìm sự hậu thuẫn!
Ông Ngô nhân Dụng cho rằng, cũng như thuốc lá có hại cho sức khỏe, dân chúng Mỹ một ngày nào đó sẽ hạn chế súng ống vì gây chết chóc, sợ hãi quá nhiều. So sánh như thế chưa chắc đã logic. Bởi lẽ người sản xuất súng chỉ có lợi khi bán được nhiều súng và người lưu giữ súng chẳng bị thiệt hại gì cả, mà đôi khi lại tạo ra tâm lý… có sức mạnh trong tay! Chỉ có thường dân vô tội là thiệt hại, vì khi đạn đã bay, sẽ không kiêng nể ai cả!
Để tháo gỡ được cả 1 hệ thống vốn có rễ sâu vào xã hội tự do súng ống. Thì 70% số người không có súng kia cần quyết tâm đứng dậy đòi hỏi thay đổi luật lệ, đòi hỏi hạn chế lưu trữ những loại vũ khí sát thương hàng loạt thì may ra mới có kết quả.
Nên nhớ rằng, nếu để cho NRA càng thao túng chính trường thì về lâu dài, xã hội Mỹ sẽ bao trùm nhiều hơn nỗi sợ về tâm lý. Hay nói đúng hơn xã hội Mỹ mặc nhiên như ‘bãi chiến trường’ của du kích bắn tỉa, đồng loại giết nhau mà không cần phải khác ý thức hệ, cũng không cần phải đối đầu thù nghịch. Vậy thì Hoa Kỳ có còn xứng đáng là một siêu cường với một xã hội tự do dân chủ tiêu biểu hay chăng?
Adelaide Tuần Báo