Dư luận thế giới lạc quan khi TT Donald Trump và lãnh tụ Kim Jung Un gặp nhau hôm 12/6/18 tại Singapore. Cái bắt tay giữa 2 lãnh tụ là dấu hiệu hóa giải sự thù địch giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ trên 65 năm qua. Người ta mong đợi gì trong tương lai sau thỏa hiệp? Trên nguyên tắc là Bắc Hàn phải gỡ và bãi bỏ hoàn toàn vũ khí Hạt nhân còn Hoa Kỳ cam kết sự an toàn cho chế độ Bắc Hàn. Chỉ đơn giản như thế thôi sao?
Trên news.com.au của Úc, nhà phân tích thời sự Malcolm Farr nhận định rằng “không nên coi nhẹ thành tích của ông Trump trên hồ sơ Bắc Hàn nhưng cũng không nên thổi phồng quá mức”. Nhìn từ bên ngoài không ai phủ nhận đây là bước đẩy lui nguy cơ chiến tranh Hạt nhân. Nhưng bên dưới bề mặt, vấn đề không đơn giản. Trump kéo Kim ra khỏi vòng tay thân thiện TQ. Nhưng việc Trump ‘o bế’ Kim có thể phật lòng đồng minh, Nhật là chính. Vả lại mối liên hệ giữa Kim và họ Tập có thay đổi chăng? Chưa ai có câu trả lời chính xác. Kim được lợi thế không ngờ, chỉ hù dọa với vài thử nghiệm đầu đạn Nguyên tử, Kim đã chỗm chệ ngồi ngang hàng với Trump, lãnh tụ của siêu cường Hoa Kỳ. Bản chất chế độ Bắc Hàn có thay đổi không? Cũng chưa có câu trả lời.
Tờ Washington Post nhận định thỏa hiệp Trump – Kim đạt được ở Singapore về thực chất là ‘đóng băng đổi lấy đóng băng’. Nghĩa là chỉ thay đổi một tình trạng căng thẳng này bằng căng thẳng khác. Washington Post cho rằng ‘đặt niềm tin mù quáng vào sự thành thật của Bắc Hàn không phải là cơ sở chắc chắn để đánh mất vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á, làm cho mối quan hệ đồng minh bị nghi ngại (chủ yếu là Nhật) khi dỡ bỏ áp lực đối với Bắc Hàn’. Tờ Washington Post nhận định thêm: “Nếu mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực thì ông Trump đã làm công việc đó cho TQ”.Hãng thông tấn Bloomberg cũng nhận định rằng ‘ông Tập Cận Bình là người chiến thắng lớn nhất’ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều do những gì mà ông Trump đưa ra đích thị lại là những gì mà lâu nay Bắc Kinh vẫn đòi hỏi!
“Ngoại giao của ông Trump đã gửi cho thế giới Tự do một thông điệp sai lầm về TQ, Bắc Hàn”. Ông Malcolm Davis, nhà phân tích tại Viện Chiến lược Úc cho biết như thế. “Nếu nước Mỹ sẵn sàng hứa hẹn với một nhà độc tài tàn bạo, thì liệu ông ấy có đáng tin được như thế nào trong việc duy trì các cam kết đối với các đồng minh của mình?”
Ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với ông Kim chỉ là khởi đầu của một quá trình và rằng Hoa Kỳ sẽ không nới lỏng sức ép đối với Bắc Hàn cho đến khi họ đạt được mục tiêu về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Nhưng điều đó lại không hề được viết trong tuyên bố chung do hai ông Trump và Kim ký kết và không có giới hạn thời gian cuối cùng nào được đề ra để Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong một bài bình luận trên tờ The Hill, ông Chuck Downs, cựu phó giám đốc Văn phòng chính sách Đông Á nhận định rằng: “ông Kim Jong-un đã đem về nhiều thắng lợi”. Kim đã đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lại những đảm bảo về an ninh. Trump nhắc lại các lời hứa như ‘ngừng tập trận, hướng đến giảm quân đội đóng ở Hàn Quốc và có thể thay đổi việc gia tăng các máy bay ném bom ở đảo Guam’. Theo ông Downs “Không có nhượng bộ nào trên đây là nhỏ cả. Nhưng chưa hết, phía Mỹ còn cam kết những biện pháp dẫn đến việc thúc đẩy nền kinh tế Bắc Hàn và giúp cho chế độ này thịnh vượng với một số các lệnh trừng phạt sẽ được tháo dỡ khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra”.
Người Việt Quốc gia chủ trương nỗ lực hòa bình thay thế chiến tranh là điều nên làm và phải làm. Tuy nhiên cần phải thận trọng trên ván cờ chiến lược, khi thỏa hiệp với những chế độ có bản chất cs như TQ và Bắc Hàn. Bởi lẽ sự gian trá luôn là ẩn số mà thế giới Tự do không nhìn thấy. Trong ván cờ này nhiều người cho rằng Bắc Hàn theo Mỹ, TQ sẽ bị cô lập. Đúng với bài ‘giải mã’ của tác giả Bùi Quang Vơm (có đăng nơi trang 10) thì đó là điều ta mong xảy ra. Tuy nhiên Mỹ vội buông lỏng sự hiện diện của họ tại vùng Đông Á, thì tham vọng bành trướng của TQ nhanh hơn! Nếu như chế độ cs Bắc Hàn và TQ âm mưu thôn tính Nam Hàn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Với bài học đã bị tráo trở bởi những người cs, chúng ta không nên coi coi nhẹ, phải cứng rắn với những chế độ như Bắc Hàn và TQ. Không thể nhân nhượng khi chưa rõ ràng. Chúng ta hy vọng TT Trump chủ động và nắm chắc vấn đề Bắc Hàn. Một điểm khác nữa, tội ác mà dòng họ Kim đã tạo ra khi cai trị man rợ và ác độc với công dân của họ và một số công dân bắt cóc tại Nhật. Chẳng nhẽ bỏ qua mà không đếm xỉa gì tới? Hoa kỳ là quốc gia đề cao nhân quyền hơn ai hết cơ mà! Chúng ta có thể nhìn thấy thỏa thuận ngày hôm nay chắc chắn là mang tính lịch sử, nhưng nếu nó không thay đổi bản chất của chế độ Bắc Hàn. Mà thay vào đó, lại giúp đảm bảo duy trì sự sống còn cho chế độ đó, thì có đáng để ta có thái độ vui mừng hay nên dè dặt hơn? Nói cho cùng, sau 18 tháng Trump lãnh đạo Nhà Trắng, dư luận sẽ còn chứng kiến từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Nhận xét của RFI rằng hiện nay thế giới đứng trước nghịch lý: từ nhiều thập niên qua, các lãnh đạo Bắc Hàn rất khó hiểu, từ nay chính ông Donald Trump là người khó hiểu hơn ai hết!
Adelaide Tuần Báo 21/6/16