Là người Việt bỏ quê hương xứ sở đến Úc Châu sinh sống và lập nghiệp, có lẽ đa số chúng ta không muốn quốc gia này bất ổn hoặc bị xâm lăng bởi chủ nghĩa bá quyền và độc tài csTQ. Thế nhưng những gì đang diễn ra, rất có thể một ngày không xa sẽ xảy ra nếu như cư dân Úc không cảnh giác và có biện pháp chặn kịp thời. Người dân không có thông tin chính xác về một cuộc xâm lăng thầm lặng, diễn ra từng ngày. Đáng e ngại là những người làm chính trị tại Úc xem ra không quan tâm hoặc là không nghĩ rằng an ninh quốc gia hệ trọng hơn những gì mà họ dự định làm nếu thắng cử. Cho nên việc chọn lựa một chính phủ có tầm nhìn xa đặc biệt an ninh quốc gia, mạnh về quốc phòng cần phải đưa lên hàng đầu. Hãy điểm qua những kẽ hở về chính trị và quốc phòng.
Hiện nay TQ làm chủ cảng Darwin, mua và khai thác nhiều hầm mỏ trên lục địa Úc, đặc biệt vùng Tây Úc, Nếu đảng United Australian của ông Clive Palmer không hé lộ việc TQ xây cảng nước sâu Cape Preston và sân bay tại vùng Tây Bắc Úc thì có lẽ không ai biết. Đảng United Australian còn nêu đích danh dân biểu Lao Động Pierre Yang, người Úc gốc Tầu đã móc nối, môi giới để chính phủ Lao Động Tây Úc sang nhượng nhiều vùng tài nguyên cho tư bản đỏ TQ khai thác và xây cả sân bay riêng cho máy bay Tầu cộng lên xuống tự do.
Ít ai biết việc ông Yang có mối liên hệ thân thiết với đảng csTQ, ngoài ra ông còn lôi kéo tới 500 người TQ tham gia đảng Lao Động. Nếu vào internet chúng ta có thể tìm thấy thông tin này khi gõ tên “MP Pierre Yang of West Australia”. Phải chăng dân chúng Úc coi nhẹ vấn đề an ninh quốc gia, họ có biết rằng bá quyền csTQ đang âm thầm xâm lăng lục địa này như GS Hamilton đã nói trong cuốn sách “Cuộc xâm lăng âm thầm” không?
Ngoài sự kiện đáng e ngại nêu trên, còn nhiều bằng chứng khác mà csTQ đang tìm cách lũng đoạn nền chính trị Úc, định hướng dư luận vào những vấn đề không quan trọng mà quên đi vấn đề an ninh quốc gia. Như đã nói trong những quan điểm trước đây, nhóm Get Up, bằng mọi cách tấn công vào những giá trị truyền thống quốc gia Úc. Tập hợp các nhóm: Get Up, đảng Xanh và ngay cả cánh Tả của Lao Động hầu như chỉ quan tâm đến vấn đề khí hậu trong khi những mối đe dọa thầm lặng khác họ không hề quan tâm.
Những bằng chứng trong quá khứ như việc tập đoàn Landbridge mua chuộc Thương nghị sĩ (TNS) Andrew Robb (Tự Do) trong việc mua cảng Darwin 99 năm và TNS Sam Dastyari (Lao Động) NSW, để ông này công khai ủng hộ TQ tại biển Đông. Ngay trong tiểu bang Nam Úc cũng không ngoại lệ, chưa phát hiện dân biểu hay nghị sĩ nào bị TQ mua chuộc nhưng về thương nghiệp và thương vụ thì không thiếu. Ngay cả đội bóng bầu dục Port Power cũng nhận bảo trợ của tư bản đỏ TQ và tỏ ra hăng hái thi đấu tại Thượng Hải hàng năm. Rồi đến hòn đảo Tasmania cũng được chiếu cố cho việc xây dựng Resort du lịch dành cho người TQ đến nghỉ etc…
Nhìn vấn đề một cách trung thực, lắm khi chúng ta lo lắng Việt Nam bị TQ ảnh hưởng và chiếm đoạt, ta tức giận Việt cộng vì quyền lợi riêng mà bán đúng quyền lợi quốc gia cho Tầu…. Nhưng thực ra điều này cũng đang xảy ra tại đây, trên đất Úc! Một số nhân vật làm chính trị Úc cũng không chẳng khá hơn. Họ vì quyền lợi riêng hoặc vô tư, thậm chí ngây thơ tin rằng csTQ là đối tác đáng uy tín, cho nên cả tin và bán linh hồn mình vì danh vì lợi.
Làm thế nào để hạn chế sự xâm lăng kiểu mới này của csTQ? Dân chúng phải có nhận thức nguy cơ này là điều tiên quyết và quan trọng, để có nhận thức thì cần được thông tin một cách xác thực và cử tri phải có thái độ sáng suốt trong việc bầu cử. Hãy chọn chính phủ nào không chịu sự thao túng, sai khiến bởi các thế lực bên ngoài. Lao Động hay Tự Do đều có vài cá nhân làm thân với csTQ vì cái lợi trước mặt. Nhìn tổng quát ta biết đảng nào có khuynh hướng nhiều hay ít, đảng nào chú tâm xây dựng kinh tế và an ninh quốc gia mạnh mẽ, đảng nào nhắm cái lợi ngắn hạn và nhỏ nhoi trong khi bỏ qua những vấn đề nghiêm trọng cho tương lai quốc gia.
Nói tóm, đành rằng địa hạt nơi ta sống có bầu cho ai thì kết quả cũng là thế! Vì lịch sử khu vực cử tri gắn liền với xu thế chính trị đảng phái, tuy nhiên bầu cho Thượng Viện không hạn chế trong địa hạt mà toàn Tiểu bang. Hãy chọn lựa ai sẽ bảo vệ và đặt quyền lợi quốc gia lên trên tất cả. Hãy vượt xa khuôn khổ của những hứa hẹn hay hạn chế về những quyền lợi có tính cách cá nhân và thiển cận. Chọn người đại diện cho mình và cho Tiểu bang trong Liên Bang là quyền tuyệt đối của mỗi cử tri. Nên nhớ rằng, sự quyết định đảng nào thắng thua chỉ nằm trong con số cử tri chênh lệch rất nhỏ. Vì sự cạnh tranh ngang ngửa giữa 2 đảng chính rất khít khao. Cầu chúc mỗi cử tri có sự chọn lựa chín chắn và đúng đắn.
Adelaide Tuần Báo