Để hiểu cuộc chiến, xem ra không có đoạn kết, giữa người Do Thái và người Palestine, cần biết về lịch sử của họ và cần nhiều giấy mực diễn giải. Trong quan điểm này chỉ tóm gọn ý nghĩa lời phát biểu của cố nữ Thủ Tướng Goldar Meir của Do Thái (thập niên 1970) “Nếu người Palestine buông súng thì sẽ có hòa bình, nếu người Do thái buông súng thì nước Do Thái sẽ không còn”. Mới nghe, nhất là vào thời điểm thập niên 60, 70 thì có vẻ khiêu khích nhưng hơn nửa thế kỷ qua điều này chứng minh là đúng.
Phát xít Đức tàn sát hơn 6 triệu người Do Thái trong đệ II thế chiến, năm 1948 nước Do Thái hình thành trở lại và được thế giới công nhận, riêng khối Ả rập thì không, ngược lại họ quyết tâm tiêu diệt Do Thái. Nước Do Thái dù dân số chỉ 11 triệu (gồm 8 triệu gốc Do Thái, 3 triệu gốc bản xứ Palestine) và nếu ai có kinh nghiệm đến Do Thái mới hiểu rõ người Do Thái. Họ có tinh thần dân tộc cao và sức chịu đựng bền bỉ. Ngày nay Do Thái là một quốc gia có tầm tuy dân số ít và lãnh thổ rất hạn hẹp. Những vùng đất khô cằn sa mạc được cải biến thành những nông trại sản xuất không thiếu thứ gì. Còn kinh tế, xã hội và quốc phòng thì khỏi phải bàn, họ có cả vũ khí Nguyên Tử.
Tưởng cũng nên biết, người Do Thái là nạn nhân của chiến tranh nên họ không muốn chiến tranh. Sở dĩ vì họ phải mạnh và sẵn sàng vì khối Ả Rập hay nói đúng hơn là Hồi Giáo hệ phái Shia, đứng đầu là nhà nước Hồi Giáo Iran từng thề rằng, sẽ xóa sổ nước Do Thái trên bản đồ Thế giới. Nhóm Hezbollah thuộc phái Shia, có căn cứ trên đất Lebanon thường xuyên bắn hỏa tiễn vào đất Do Thái, nhất là cao nguyên Golan. Trong khi phía Nam vùng đất Gaza có khoảng 2 triệu dân Palestine, tự trị và đa phần thuộc phái Suni, do tổ chức Hamas lãnh đạo, cũng bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Do Thái thường xuyên hơn, như đang xảy ra hiện tại. Dĩ nhiên Do Thái đáp trả một cách mãnh liệt.
Vấn đề không đơn giản như ta tưởng, tuy nhiên trong mấy thập niên qua, Do Thái chỉ đáp trả khi bị bắn phá. Ngược lại nhóm Hezbollah và Hamas luôn tìm cách tấn công Do Thái, dù họ biết sự đáp trả của Do Thái sẽ quyết liệt hơn và tổn thất lúc nào cũng nặng cho kẻ khiêu khích. Thế nhưng thế giới bên ngoài chỉ nhìn vào số thương vong bên Palestine mà kết án Do Thái, nhưng họ không nghĩ rằng kẻ khiêu khích mới đáng khiển trách.
Nếu ai có kinh nghiệm sống tại Do Thái mới thấy sự bấp bênh, hồi hộp vì lúc nào cũng phải sẵn sàng như thể chiến tranh xảy ra Nếu đi trên cao nguyên Golan phía bắc Do Thái, ta có thể nghe tiếng súng, xe tăng và quân đội di chuyển hàng ngày và thấy những trạm rada, còi báo động, rồi tiếng phản lực trở thành quen thuộc y như thời chiến tranh Việt Nam vậy.
Để có hòa bình cả hai bên cùng cần chấp nhận sự tồn tại của nhau và cùng sống chung trên một lãnh thổ. Đừng tìm cách diệt trừ nhau. Tưởng cũng nên nhắc lại ngày 7.12.17 khi cựu TT Trump tuyên bố Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Không khí tuy căng thẳng ngay tại thành cổ Jerusalem nhưng không có bạo động. Những nữ quân nhân Do Thái, rất trẻ, kiên nhẫn ngồi gác suốt đêm và duy trì trật tự một cách nhiệt thành. Cuộc sống chung giữa người Do Thái và Palestine ngay trong thành cổ Jerusalem vẫn diễn ra bình thường trong khi thế giới bên ngoài vào thời điểm đó biểu tình bạo động phản đối. Người ngoài cuộc không hiểu, dễ có cái nhìn sai lệch, phóng đại và kết án. Tương tự vụ việc mới đây chính phủ quy hoạch lại khu dân cư ngay trong cổ thành Jerusam theo luật định và dĩ nhiên có bất bình, Nhưng nhóm Hamas tận dụng cơ hội này để tấn công Do Thái để thử sức Do Thái và nhằm gây ảnh hưởng nhiều hơn trên người Paliestine. Khoảng 3 triệu người Palestine sống chung với 8 triệu người Do Thái hiện nay tuy khác biệt về tôn giáo nhưng là một quốc gia với mọi quyền lợi như nhau. Sẽ không có chiến tranh nếu không có tấn công từ tổ chức Hamas hay Hezbollah do Iran và Syria đỡ đầu. Trong khi đó khối Ả Rập hệ phái Suni hầu như không còn ra mặt chống Do Thái nữa, thậm chí một số quốc gia trong vùng không đề cập đến vụ việc vừa mới xảy ra. Chỉ có những ai không hiểu rõ nguyên nhân sâu xa mới đặt vấn đề.
Adelaide Tuần Báo