Em viết thư cho cô không để hỏi mà để tâm sự với cô và độc giả của mục này về trường hợp của chính em cách nay hơn một năm. Lúc đó, em thực sự có vấn đề khó xử, băn khoăn chưa kịp hỏi cô và cũng không định hỏi ai thì số phận đã cho em câu trả lời quyết định con đường đi tới của mình. Cho tới bây giờ, em không có gì phàn nàn về câu trả lời ấy ngoại trừ đôi lúc em vẫn tự hỏi sự chần chờ của em ngày đó có thật đúng không hay vì em ù lì, bất động, nên cuối cùng, đã mất quyền tự quyết về đời mình?
Em lấy chồng ở tuổi 24, chồng em 30. Cũng như hầu hết mọi lứa đôi thời buổi này, tụi em gặp gỡ, mến mộ rồi yêu nhau trong ba năm và kết hôn, sinh được hai cháu. Lấy nhau vì tình nhưng cuộc sống gia đình của tụi em không êm xuôi vì đôi bên có những khác biệt quá lớn. Đến một lúc giữa vợ chồng không còn chăn gối, thậm chí không còn chuyện trò mà chỉ còn những mảnh giấy trao qua gời lại trên bàn ăn trong nhà bếp. Em muốn ly dị, anh ấy không thuận cũng không chống, bảo em muốn làm gì tùy ý, nghĩ kỹ rồi hãy hành động. Người phản đối mạnh nhất, quyết liệt nhất là mẹ em. Bà là tín hữu công giáo sống trọn vẹn đức tin. Bố em qua đời vì bạo bệnh khi mẹ em chỉ mới 36 tuổi. Bà ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất là em cho tới nay, gần bước vào tuổi 70.
Nghe em nói chuyện ly dị, bà bảo em chờ bà chết đi rồi hãy bỏ chồng. Gia tộc cha mẹ em cả hai bên nội ngoại không có ai bỏ chồng cả. Mặc dầu em cắt nghĩa với mẹ là tụi em chỉ chưa bỏ nhau trước tòa án thôi, thực tế tụi em đã bỏ sống nhau lâu rồi, vợ chồng không còn tình nghĩa, cũng hết tôn trọng nhau, sáng tối nhìn nhau như quân thù thì làm sao tiếp tục hôn nhân? Ích lợi gì cho con cái và cho cuộc sống chung? Anh ấy ỷ mình là đàn ông, tha hồ đi với gái, nếu chưa là tình yêu thì cũng là tình dục phủ phê trong khi em luôn giữ đầy đủ tư cách là mẹ của hai đứa con, xưng tội, rước lễ đầy đủ. Điều này rất bất công cho em. Có hôm em đang ở trong bếp, nghe tiếng xe chồng về trong ga ra, thú thật với cô, sẵn chảo dầu nóng, em chỉ muốn chờ anh ta bước vào là hắt cả cái chảo vào mặt anh ta nhưng may mà kiềm chế được, chẳng phải vì nhân nghĩa gì đâu cô ạ, chẳng qua em sợ giằng co nhau thì em cũng bị bỏng thôi.
Mặc em trỉnh bày và van xin thế nào, mẹ em bảo anh ấy còn đi về nhà hàng ngày, còn thương yêu, chăm nom con cái theo bổn phận thì không thể nói anh ấy là một người xấu rồi đòi ly dị được. Cái gì em quá đáng khiến xảy ra tình trạng như hiện nay thì em phải sửa trước đi nhưng em tự xét mình em không có gì sai cả. Thế nhưng mẹ em hỏi thì anh nói là em nóng nảy quá, hung dữ quá, khiến anh tuy vẫn thương yêu em nhưng thấy mặt em là anh sợ và chán ngán. Đó là kiếm cớ để chạy tội thôi cô ạ! Anh ấy nên tự hỏi vì sao mà em nóng nảy và hung dữ, có phải tại anh làm sai rồi ỷ là chồng, cứ làm sai hoài mà chính mình không sửa không?
Giữa lúc buồn chán việc gia đình như thế, em gặp một người đàn ông trẻ, đẹp trai, lịch sự, còn độc thân, tạm gọi tên là David, làm việc trong một ngân hàng khi em tới hỏi vay tiền để khuếch trương kinh doanh. Từ công việc đến cảm tình riêng tư giữa một nam một nữ hiểu hoàn cảnh và thông cảm nhau, thật ra thì David hiểu và thông cảm em thì đúng hơn, con đường chỉ một sải tay. Tất nhiên chuyện gì phải đến sẽ đến thôi, tụi em có affair và em có một khoảng đời 10 năm vô cùng hạnh phúc cô ạ! Biết hoàn cảnh rất tế nhị của em, David hết sức giữ gìn cuộc tình của hai đứa thật kín đáo để em không bị khó khăn. Em biết David rất yêu em, muốn cưới em nhưng đồng thời anh cũng nói với em hãy suy nghĩ kỹ và thận trọng, lúc nào và điều gì em thấy em có thể làm được theo mong ước của chính em thì làm, đừng vì anh ấy. Khi đứa con lớn của em xong trung học mà công việc làm ăn của em không khá, David tự nguyện giúp đỡ tài chánh cho cháu vào đại học xa để em không phải lo lắng nhiều.
Tuy vậy, tụi em vẫn mắc kẹt trong con hẻm cụt vì em không dám làm mẹ em nổi giận và thất vọng nên mối tình gữa em và David hầu như không có ngày mai. Đang lúc cả hai đứa tụi em đều cấn cái mỗi đứa theo cách riêng thì David được ngân hàng cấp học bổng qua Anh quốc theo học thêm về quản trị. Em khuyến khích David nhận lời để bớt áp lực cho cả đôi bên vì sự bế tắc không có hướng giải quyết. Trong thời gian tạm xa cách, David vẫn một lòng một dạ với em cho tới 2 năm sau khi anh về lại Mỹ. Cảm thấy mối tình của David lớn lao quá, em nghĩ mình không xứng đáng, cũng khó làm cách nào khác hơn để đền đáp nên em cầm lòng không ra phi trường đón anh và em cũng tránh mặt luôn.
David tiếp tục liên lạc với em qua phone, texting, email nhưng em quyết định không trả lời. Hai năm nữa trôi qua, bất thình lình em bị tai biến mạch máu não, bị liệt một nửa người. Tất nhiên em không báo tin và khi David biết, xin phép đến thăm, em quyết liệt từ chối, cảm ơn tình yêu anh dành cho em bấy lâu, sự hy sinh chờ đợi vô vọng của anh và đến đây là giờ khắc chia tay, nếu còn yêu em, xin cất giùm em gánh nặng này vì em không còn mang vác nổi nữa. Em khuyên David hãy sống cuộc đời xứng đáng với anh và như trong tiểu thuyết, hãy quên em đi.
Vấn đề em muốn chia sẻ với cô và mọi người không phải là tương lai của David từ đây thuộc về anh ấy mà vẫn là chuyện của em. Cô có biết kể từ ngày em ngã bệnh, ai là người kề cận săn sóc em, từng viên thuốc, từng ly sữa, từng bữa sáng, bữa chiều, từng khi thức, từng khi ngủ, từng vụng về rơi vãi lôi thôi, từng đoạn đường ngắn trong nhà hay ngoài phố, cô có ngờ là ai không? Là người chồng không chăn gối với vợ, không cử chỉ ngọt ngào yêu thương, thấy nhau chỉ muốn xúc hất đi những năm em 30, 40 đấy cô ơi! Thế có lạ không?
Cuộc đời có những bất ngờ tưởng như hoang đường thế mà chúng xảy ra. Em không biết Chúa đã sắp đặt cho em như thế này hay chính vì tấm lòng của người mẹ sợ con phải truân chuyên, tấm lòng của người con không dám đánh đổi khổ đau của người mẹ lấy hạnh phúc riêng mình mà giờ này em nhận lại được cả một gia tài quý giá em đã có từ đầu mà không biết? Với chồng, với các con, nhất là với đấng sinh thành ra em, chỉ phải đau đớn một lần khi banh da xẻ thịt cho em vào đời thôi.
Em chia sẻ câu chuyện này vì khi tàn cuộc chơi, mọi việc tưởng như không ai ngoài những người trong cuộc biết nhưng hóa ra ai cũng biết và ai cũng biết rõ lòng ai nên không ai nỡ phụ phàng ai cả.
Riêng cô, cô nghĩ thế nào ạ?
Phượng.
TRẢ LỜI:
Rất cảm ơn Phượng đã chia sẻ một câu chuyện đời thật cảm động, thật đẹp, minh chứng rằng cuộc sống không bao giờ hết hy vọng. Cô nghĩ cả 4 nhân vật chính trong câu chuyện đều ăn ở phải đạo, có tình có nghĩa, mỗi người đã đóng góp phần tốt nhất của mình để tạo ra cái hậu là sự bình an cho nhau. Có một lý thuyết cho rằng khi con người lưỡng lự giữa nhiều lựa chọn, không chắc một quyết định nào là đúng, hãy suy nghĩ lành, biết chờ đợi và để số phận làm công việc của nó như trường hợp của em. Những chỉ dấu bên ngoài đôi khi hàm chứa một nội dung khác, mắt thường không thấy và chỉ có Trời biết.
Cô rất mừng biết gia đình em yên ấm tuy em phải trả giá cao cho những ơn phước em nhận được lúc cuối đời như một đền bù. Riêng David, rồi cậu ấy sẽ có một tương lai xứng đáng. Điều tốt nhất cho cả hai là không ai trong hai người, em và cậu ấy, phải uống ly rượu cặn đắng khi tình yêu không đẹp nữa với quá nhiều hối tiếc. Cô chúc em thân tâm thường lạc.
BÙI BÍCH HÀ
Theo thoibao.com