Bài quan điểm được viết xong trước khi ngân sách quốc gia Úc năm 2020 được công bố. Các chuyên gia kinh tế đều nhận ra rằng, ngân sách này đối mặt thử thách chưa từng có. Không có nhiều lựa chọn, cũng không thể dự phóng một cách chính xác tương lai: vì đại dịch Vũ Hán! Số người mất việc lên hàng triệu trong khi ngân quỹ quốc gia bị cạn kiệt mà vẫn phải chi ra hàng trăm tỉ đô để giúp dân chúng vượt qua khó khăn. Nguồn thu nhập về cho ngân quỹ quốc gia từ việc thu thuế: từ kinh doanh và cá nhân đều xuống mức thấp như chưa từng thấy.
Chủ bút Paul Kelly của tờ The Australian (26/9) nói rằng “hãy ‘chôn vùi’ đi tư tưởng ‘thặng dư’, đại dịch đã làm tan vỡ chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) của chính phủ Morrison về lý lẽ thặng dư”. Theo dự trù hồi năm ngoái, ngân sách năm nay sẽ thăng dư khoảng 7 tỉ đô, nhưng bây giờ sẽ thâm thủng khoảng 85 tỉ đô. Tựu chung món nợ thực thụ (net) tính đến 30/6/2020 Úc gồng gánh trên lưng khoảng 550 tỉ đô và nếu tính tổng thể (gross) món nợ lên tới 685 tỉ đô! Tương đương với 34.5% tổng sản lượng quốc gia cho cả tài khóa 2019-20. Một bức tranh ảm đạm về tài chánh như thế Úc phải đối diện! Nói một cách cụ thể, còn lâu lắm tài chánh Úc mới có thể trả hết số nợ nêu trên nếu dựa vào ngân sách thặng dư hàng năm, với tình hình hiện tại.
Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg nói rằng ưu tiên số 1 của chính phủ tại thời điểm này là phục hồi công ăn việc làm (Jobs, jobs and jobs) và chỉ có thể lạc quan khi mức thất nghiệp xuống dưới 6%. Tổng trưởng tài chánh (finance) Mathias Cormann cho biết ngân quỹ Úc khó xoay sở nguồn tài chánh khác, kể cả nhờ đến ngân hàng dự trữ Úc. Đâu đâu cũng gặp khó khăn, khủng hoảng do đại dịch Vũ Hán gây ra. So với các cuộc khủng hoảng trước, khi ấy ngân quỹ quốc gia vẫn có thể xoay sở được, thì nay gần như bó tay.
Đảng Tự Do có truyền thống để dành tiền và họ coi trọng chính sách làm cho thặng dư bằng mọi cách. Nhưng trước đại dịch năm nay họ phải đầu hàng. Tổng trưởng Frydenberg nói rằng, bản tính cốt lõi (core value) của Liên đảng sẽ không thay đổi nhưng phương cách sẽ phải thay đổi trong bối hiện tại. Cái mà Liên đảng đáng được khích lệ là, Úc chịu ít thiệt hại về kinh tế, chỉ khoảng 7% so với Tân Tây Lan 12% và Anh Quốc 14% khi 3 quốc gia có cùng một bối cảnh chính trị và xã hội tương tự. Là người lãnh đạo có trách nhiệm, TT Morrison đã không bỏ qua cơ hội ít thiệt hại nhất để đưa ra quyết sách phù hợp kích hoạt kinh tế đến mức khả dĩ đem lại sự tin tưởng cho dân chúng. Dù ngân sách quốc gia kiệt quệ, đáng lý ra phải tăng thu thuế và hạn chế tiêu tiền thì ngược lại chính phủ Liên Đảng sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tăng cấp chương trình huấn nghệ và đặc biệt vẫn giảm thuế như đã hứa trước đây.
Chính phủ Liên Đảng ngoài việc ổn định kinh tế trong đại dịch, còn khuyến khích các thương nghiệp tư nhân mở cửa trở lại, hãy tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Hai lãnh vực này làm lên phần lớn chiếc bánh ngân quỹ quốc gia. Mặc dù xuất cảng chỉ bị suy giảm khoảng 600 triệu (trên tổng số hàng trăm tỉ đô) so với tài khóa năm trước, ngay cả khi đảng csTQ tẩy chay hàng hóa Úc và hăm dọa theo kiểu chiến lang. Úc sẽ đứng vững và cương quyết không bị khuất phục bởi áp lực từ đảng csTQ. Đại dịch Vũ Hán làm tiêu hao khoảng 200 tỉ đô tính đến tài khóa 20-21. Đây là số tiền khổng lồ, bao nhiêu năm mới có thể thặng dư để có thể bù đắp lại được. Nhưng so với Âu và Mỹ Châu thì Úc là quốc gia bị thiệt hại tương đối thấp. Phải chăng do địa lý, xã hội Úc được dễ dàng cách ly vì không có biên giới với các quốc gia khác hay bởi quốc gia Úc có đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động và nhiệt thành như TT Morrison, Tổng trưởng ngân khố Frydenberg. Là những người có tinh thần trách nhiệm cao, đặt quyền lợi quốc gia trên tất cả.
Dù ngân sách thâm thủng như chưa từng xảy ra nhưng dư luận vẫn tin tưởng Liên Đảng làm tốt nhiệm vụ được trao. Dân chúng vẫn tín nhiệm chính phủ Liên Đảng, Bất mãn có chăng, là đối với kẻ đã cố tình phát tán con Virus đi toàn thế giới.
Adelaide Tuần Báo.
previous post