Ngày của cha (Father’s Day) lại đến, xin mạn phép nói về những người cha hải ngoại. Có sự khác biệt gì với những người cha tại quê nhà, và tại sao lại phải quan tâm đặc biệt đến những người cha đang sống ở hải ngọai? Đây là đề tài không hề đơn giản mà bài quan điểm không thể bàn hết, và cũng là một vấn đề cần đến sự thông cảm, không chỉ từ người cha mà cả từ người mẹ và con cái. Xin được nêu ra vài khía cạnh của vấn đề như sau:
1. Hiện tại một số những người cha Việt tại hải ngoại đều sinh trưởng ở VN trong xã hội thấm nhuần triết lý Khổng Mạnh. Ngay cả một số đã sống tại Úc lâu năm vẫn chịu ảnh hưởng không ít của nền văn hoá này. Cho nên khi phải hành xử trong một xã hội Âu Tây với những giá trị rất khác, họ bắt buộc phải tìm cách thích ứng, nhưng sự thích ứng lại không dễ chút nào! Ở nước ta, người cha thường gánh vác công việc sinh kế cho gia đình. Do vai trò cột trụ này, họ phải chu toàn bổn phận của một người lãnh đạo, người làm gương, đi đôi với trách nhiệm của một người giữ gìn kỷ cương. Bù lại, xã hội ban cho họ nhiều uy quyền và nể trọng, thậm chí còn chấp nhận cho họ hành xử một cách độc đoán với vợ con. Những câu như “nhất sư nhì phụ”, “xuất gia tòng phu”, hay “chồng chúa vợ tôi” đến thời nay mà vẫn còn được nhiều người đem ra áp dụng… Thế nhưng xã hội Âu Tây không chấp nhận sự bất bình đẳng như thế. Ở Úc, vai trò phụ nữ được đề cao và quyền lợi của trẻ em được bảo vệ. Nếu xem đó là một sự tấn công vào uy quyền cố hữu của mình thì người cha gốc Việt tất nhiên sẽ cảm thấy mình bị xâm phạm, bị mất đi sự nể phục của vợ con và mang mặc cảm như là một sự hụt hững quyền hạn. Nếu phản ứng lại một cách thiếu suy xét thì sự đổ vỡ rất dễ xảy ra. Đó là thảm cảnh mà bao gia đình Việt ở hải ngoại đã phải hứng chịu.
2. Khó khăn nữa là sự khác biệt về ngôn ngữ. Nhiều người cha khi đến định cư nơi xứ người ít có cơ hội học hỏi, phải lăn xả vào công việc sinh nhai, để rồi không nhận thấy khoảng cách với con mình ngày càng xa. Khi ngôn ngữ bất đồng thì tình cảm và đối thoại cũng nhạt theo, và sự xung khắc lâu dài phát sinh từ đó.
3. Nhiều người khi sống ở VN có nghề vững chắc, chỗ đứng được xã hội nể trọng, kỹ năng, kiến thức chẳng thua kém ai, thế nhưng khi sang đến xứ người thì tất cả những thứ ấy như không còn giá trị gì nữa. Phải vất vả xây lại từ đầu, họ cảm thấy như bị tước mất niềm tự hào. Nếu để cho những ý nghĩ ấy xâm chiếm lòng mình thì vai trò làm cha của họ sẽ khó khăn thêm. Những khó khăn trên bắt buộc nhiều người cha Việt phải xét lại cách cư xử và suy nghĩ của mình. Phải thích ứng với những giá trị của xã hội mới nơi mình đã chọn sống. Nhưng hơn thế nữa, cần hiểu rằng những giá trị đó có thể giúp mình trở nên hoàn hảo hơn.
Người cha nơi hải ngoại, nếu biết chọn lấy nét tinh túy trong văn Á đông đã ăn rễ sâu trong lòng, nhưng với thái độ cầu tiến cởi mở, kín múc những cái hay của văn hóa Tây Âu, thiết tưởng sẽ làm cho bản thân mình trở nên giàu hơn về mặt tinh thần. Sự tương giao của những cái hay, cái tốt chỉ có thể làm phong phú, bồi đắp chứ không phá hủy. Hòa giao được những nét hay cho gia đình mình thì qúi biết bao.
Những đức tính mà nền văn hóa nào cũng cần và là chìa khóa mở ra những bế tắc là: Nhẫn nại khi có những bất bình. Dung hoà khi có xung khắc. Cần khiêm nhường và cầu tiến. Cần chấp nhận, cảm thông và kêu gọi sự cảm thông của những người mà mình thương yêu. Đối lại thì những người thân này cũng phải sẵn sàng thông cảm với các nỗi khó khăn – nhiều khi quá sức người – của chồng hay cha mình. Không thể một sớm một chiều mà có thể ‘hội nhập’ khi tuổi đời đã cao. Cần hiểu rằng phần lớn những khó khăn ấy là do thời cuộc, hoàn cảnh áp đặt lên mọi người. Hãy mở lòng và tha thứ, đừng trách móc, đối đầu, mà phải tìm hiểu, thông cảm và giúp đỡ. Tuy người cha sống bằng lý nhiều hơn là con tim. Nhưng dù là con tim hay lý trí, thì cũng có những ngăn khoảng dành trọn vẹn cho vợ cũng như con cái.
Ngày Lễ của Cha, thiết tưởng trong vai trò làm con thì không có gì đẹp hơn là nói được với cha những lời lẽ biết ơn. Dù cha còn sống hay đã khuất, có khi xa cách bao năm chưa gặp. Hãy cầu cho cha mình và cách trọn vẹn làm cho cha mình vui nhất, có lẽ không gì qúi hơn là chính mình trở nên người hữu dụng cho xã hội, trở nên mẫu mực trong cuộc sống. ATB kính chúc qúi độc giả ngày Father’s Day trọn vẹn.
Adelaide Tuần Báo