Gần đây dư luận Úc lại bàn tán vấn đề di dân. Hai quan niệm trái ngược: nhận thêm hay cắt giảm con số di dân, đi theo hướng nào sẽ tốt nhất cho quốc gia Úc? Tưởng cũng nên biết, Úc là quốc gia được hình thành và phát triển như hiện nay là nhờ vào di dân.
Lập luận tăng thêm con số di dân xem ra được nhiều người đồng ý vì lục địa Úc Châu rộng lớn (thứ 6 trên toàn cầu) mà chỉ có 24 triệu người. Một đất nước đang phát triển thì việc cung và cầu do di dân sẽ giúp kích thích hơn sự phát triển trong nhiều lãnh vực. Trong khi lập luận hạn chế bớt di dân, vì xã hội và kinh tế Úc đang bị quá tải khi phải cưu mang, thêm trách nhiệm cung cấp các dịch vụ cho người mới tới vv…
Trong bài quan điểm này chỉ bàn vấn đề di dân và sự hội nhập cần thiết như thế nào cho quốc gia Úc hiện tại và tương lai. Trên the Advertiser ra ngày 02/8/18 có bài tựa “Our national identity has been swept away” (Căn tính quốc gia chúng ta bị quét đi mất) của nhà phê bình cánh hữu ông Andrew Bolt. Ông Bolt lo ngại rằng xã hội Úc hiện nay có chiều hướng bị chia ra nhiều ‘bộ lạc’ (tribes) rời rạc vì không cùng nhau nói cùng một ‘ngôn ngữ quốc gia’. Ba mẹ của Bolt là di dân từ Hòa Lan đến Úc thập niên 50, đã coi quốc gia Úc là của mình, nên họ hòa nhập vào xã hội chung một cách tích cực. Họ đã sống hết mình cho đất nước mà họ nhận làm quê hương thứ hai. Điều mà Bolt dẫn chứng cũng được nhiều sắc dân khác đã và đang thực hiện trong đó có sắc dân gốc Việt chúng ta. Nhắc lại thập niên 80 khi người Việt ồ ạt được nhận vào định cư, đã bị nhiều phản kháng, chống đối, bài bác nếu không nói là bị kỳ thị. Thế nhưng cộng đồng gốc Việt chúng ta đã hội nhập (integrate) một cách tích cực và thành công. Hiện nay những cái nhìn tích cực dành cho cộng đồng Việt, có thể nói, nhiều hơn so với một số sắc dân khác. Trong khi đó chúng ta vẫn giữ những đặc thù tinh túy của mình, và không tự cô lập hoặc trở thành những ‘ghetto’ trong một xã hội tự do và đa văn hóa này.
Điều mà ông Bolt đề cập và lo ngại là hiện nay, một số sắc dân sống tập trung và sinh hoạt hoàn toàn biệt lập với giòng chính (mainstream) của xã hội. Không chỉ nói ngôn ngữ riêng mà cách ứng xử không thích ứng cho một xã hội gọi là đa văn hóa Tây phương. Không chấp nhận có mẫu số chung là công dân của 1 quốc gia Úc. Nên hiểu rằng, nếu không quan tâm đến cái chung của một quốc gia, không nhận quốc gia này là của mình và trân trọng như một chủ thể để yêu mến nó, thì căn tính của quốc gia ấy sẽ mai một đi, một khi các thế hệ đã có quá trình gắn bó, xây dựng, hy sinh đi qua. Ai sẽ là người nối tiếp vun trồng, không chỉ là một quốc gia giầu có về vật chất, mà tinh thần ái quốc cũng phải được triển nở theo. Nếu ta hãnh diện khi cầm Passport quốc tịch Úc đi du lịch đây đó. Thì ta cũng nên hiểu rằng trách nhiệm là công dân của quốc gia ấy, hãy làm cho căn tính quốc gia này lớn lên trong ta, qua cách hành xử và tinh thần hòa nhập vào xã hội chung. Nếu coi quyền lợi được hưởng là những ân huệ mà xã hội phải ban phát cho thì ngược lại chính ta phải có trách nhiệm với quốc gia mà ta đang sống.
Theo ông Bolt, từ con số thống kê cho ta biết năm 1996 chỉ có 119 ngàn di dân người Hoa. Nhưng nay có trên nửa triệu (526 ngàn). Di dân Ấn độ từ 80 ngàn lên đến 469 ngàn. Nghĩa là 2 sắc dân này thôi đã sấp sỉ 1 triệu mà nếu họ không hội nhập thì xã hội Úc sẽ ra sao? Ông Bolt kê khai hàng loạt các sắc dân tụ tập sống riêng biệt tại một khu vực nào đó và điều tệ nhất là, không muốn hòa nhập với xã hội! Những người cánh Tả và bàng quan không tìm hiểu sâu xa thì cho rằng ông này có đầu óc kỳ thị của người da trắng. Nhưng cần phải xét nguyên nhân dẫn đến lo ngại của ông Bolt về một quốc gia thiếu căn tính là một quốc gia, khi các công dân sống trên đó mà không hề có sự gắn bó, yêu mến với quốc gia ấy.
Nói tóm, cộng đồng sắc Việt là 1 trong gần 200 sắc tộc khác định cư tại Úc. Nếu bằng ấy sắc dân sống biệt lập và không hòa nhập thì nước Úc sẽ như thế nào, có thể lớn mạnh, bình an và hài hòa được chăng? Quốc gia Úc thành công về một xã hội đa văn hóa, so với nhiều nước tại Âu Châu. Điểm đáng chú ý là, xã hội Úc cho đến nay vẫn hài hòa là vì Úc luôn khuyến khích các sắc dân tiếp tục hòa nhập vào xã hội chung, trong khi vẫn duy trì những đặc tính riêng của mình.
Adelaide Tuần Báo