Mấy tuần qua những hình ảnh từ quê nhà cho thấy lũ lụt tại các tỉnh miền Trung nước Việt khiến dù ai, nếu có cùng huyết thống Việt Nam đều thương cảm cho đồng bào mình đang phải gánh chịu tai ương ập tới, gây thiệt hại cả về nhân mạng lẫn tài sản. Thiên tai thường xuyên xảy ra ở miền Trung, nơi mà vị trí địa lý thiên nhiên rất khắt khe. Điều này không mới lạ, cũng chẳng phải hiếm xảy ra. Nhưng những năm gần đây, hậu quả của bão lụt thường gây thiệt hại nghiêm trọng hơn so với những thập niên trước đây, trong khi phương tiện xã hội và kỹ thuật tân tiến hơn xưa gấp bội. Lý do nào cứ có mưa là gây ngập lụt, lý do nào khi có giông bão là sạt lở khắp trên những vùng đồi núi?
Các tỉnh miền Trung phần nhiều là đồi núi, thung lũng và cao nguyên. Đồng bằng chỉ chiếm diện tích nhỏ dọc ven biển. Miền Trung trực diện với các cơn bão từ biển Đông càn quét vào khi thời tiết chuyển từ Hè sang Thu. Mưa bão xảy ra như cơm bữa và sức chịu đựng của người miền Trung cũng thật vượt bực. Thế nhưng ngày nay những con đập thủy điện mọc lên như nấm trên các con sông, hồ nước trong các thung lũng đã trở thành những vật cản vô cùng bất lợi cho dòng chảy tự nhiên khi cần xả nước ra biển trong thời gian ngắn, nguyên nhân gây lụt triền miên.
Theo truyền thông nhà nước, có đến 824 trạm thủy điện rải rác các tỉnh miền Trung và đã phá đi 50 ngàn mẫu ta (hecta) rừng cho những dự án này. Nói một cách chính xác, để tận dụng thủy điện người ta đã tàn phá rừng và ngăn cản dòng chảy của thiên nhiên như chưa từng thấy trong quá khứ.
Ngoài việc phá rừng nhường cho thủy điện còn phá rừng để lấy gỗ. Hành động phá rừng tại Việt Nam thì khỏi phải bàn, một chính quyền kém hiểu biết về môi trường và đặt cái lợi trước mắt khi bỏ qua những tai hại lâu dài, tự cho phép khai thác một cách vô trật tự. Rừng cây trên các sườn núi đồi có tác dụng chống sạt lở khi có mưa bão. Rễ cây rừng là mạng lưới thiên nhiên giữ đất nguyên trạng trong mọi tình huống. Hai vụ sạt lở lấy đi mấy chục nhân mạng tại Thừa Thiên Quảng Trị cho thấy sự nguy hiểm khi mưa lớn làm sạt lở cả một sườn núi. Còn lũ lụt thì nhận chìm hàng triệu hộ cư dân và tiêu tan hầu hết mùa màng và gia súc. Đập thủy điện trở thành rào cản thoát nước và tăng nguy cơ ngập lụt, gây thiệt hại có khi gấp nhiều lần, so với những gì mà dự án thủy điện mang lại.
Các quan chức tại VN có nhà hàng chục tỉ đồng với hàng trăm tấn gỗ là chuyện thường, họ đua nhau theo phong trào và vì thế phá rừng để lấy gỗ. Cộng thêm các trạm thủy điện lại là những dự án béo bở vào túi họ. Các quan chức vừa giầu, nhà lại sang trọng với gỗ quí từ rừng cao nguyên. Chỉ có người dân là khổ mà còn phải chịu cảnh thiên tai ập xuống trên đầu.
Chưa hết, trong nhưng vùng lũ lụt người ta còn thấy chỉ có tượng đài của các lãnh tụ là không bị chìm vì được xây trên nền cao, trong khi nhà dân, may lắm chỉ còn nóc nhà trên mặt nước! Một đất nước với một chính quyền vô trách nhiệm và phá hoại, tạo ra bao nhiêu tai ương cho dân chúng. Đành rằng mẹ thiên nhiên khó ai đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra và tới mức độ nào. Nhưng sự tác động trái với qui luật thiên nhiên của con người khả dĩ gây tai hại khó lường. Dân gian ta có câu: “Nhất phá Sơn Lâm, nhị đâm Hà Bá” là phương ngôn đúc kết qua cả ngàn năm, cảnh báo những hậu quả của tình trạng phá rừng, phá núi, phá vỡ quy luật dòng chảy của sông ngòi đến nay vẫn nguyên giá trị.
Trong dân gian VN thời cận đại còn có câu “Mất mùa là bởi thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta” đây là một câu châm biếm chứ không phải khen. Vì rằng đảng csVN nghĩ mình là ông trời, làm theo mệnh trời. đòi quyền cai trị muôn năm. Họ nghiễm nhiên nghĩ rằng chính sách của họ là ‘đỉnh cao trí tuệ’ trong khi những thảm họa đang xảy ra tại VN không phải hoàn toàn là do thiên nhiên mà do con người và sự ‘quản lý thiên nhiên’ một cách vô trật tự, thiển cẩn của chính quyền csVN.
Xót thương và đồng cảm với đồng bào miền Trung. Hãy cùng nhau làm gì có thể, để xoa dịu phần nào những nghiệt ngã cho đồng bào miền Trung.
Adelaide Tuần Báo