Nhiều đứa trẻ phạm lỗi dù không quá to tát nhưng chính thái độ tiếp cận của bố mẹ đã khiến cho việc nhỏ hóa to. Họ không những không thể làm cho trẻ nhìn nhận được vấn đề của bản thân mà còn làm cho con cái trở nên ngỗ ngược, khó bảo.
Đối với trẻ em, phạm sai lầm là điều đương nhiên và hết sức bình thường. Trẻ phải phạm lỗi thì mới có thể lớn lên, phải mắc sai lầm thì chúng mới học được cách trưởng thành. Chính vì lẽ đó, trong quá trình nuôi dạy con cái, phụ huynh cần có cách đối mặt với những lỗi lầm của con một cách chính xác để giúp con hiểu được mình làm sai ở đâu và nên điều chỉnh như thế nào.
Nhiều đứa trẻ phạm lỗi dù không quá to tát nhưng chính thái độ tiếp cận của bố mẹ đã khiến cho việc nhỏ hóa to. Họ không những không thể làm cho trẻ nhìn nhận được vấn đề của bản thân mà còn làm cho con cái trở nên ngỗ ngược, khó bảo.

Thực tế cho thấy, một đứa trẻ sau khi mắc lỗi, việc bắt chúng phải ngồi nghe bố mẹ nói lý lẽ để dạy dỗ là rất phí công.
Thứ nhất, vì đứa trẻ lúc này tâm lý vẫn chưa thật sự ổn định, thậm chí là đang tức giận, chúng sẽ không thể hiểu được các chân lý hay những nguyên tắc tuyệt vời mà bố mẹ truyền tải, cũng chẳng đủ kiên nhẫn để lắng nghe.
Thứ hai, bản thân bố mẹ cũng không giữ được bình tĩnh, buông ra những lời la rầy đầy tức giận, thậm chí là dùng cả đòn roi nhưng hành động này chỉ càng khiến mọi việc thêm tồi tệ.
Trong trường hợp trẻ vừa làm sai điều gì, đâu mới là cách tiếp cận đúng đắn nhất? Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, phụ huynh nên hỏi trẻ 4 câu hỏi sau:
1. Con có ổn không?
Trên thực tế, khi con cái làm điều gì sai, bản thân chúng sẽ nhận ra lỗi của mình và chúng sẽ vô cùng lo sợ bị cha mẹ chỉ trích, mắng mỏ. Vì vậy, việc đầu tiên phụ huynh nên làm là ổn định cảm xúc cho con, hỏi xem con cảm thấy ra sao, có sợ hãi không, dỗ dành để con cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Khi tâm trạng của trẻ ổn định, cha mẹ mới có thể nói chuyện với con về những việc con làm sai.

2. Chuyện gì đã xảy ra, con nói mẹ nghe được không?
Sai lầm lớn nhất mà nhiều bậc phụ huynh hay mắc phải chính là sau khi xảy ra sự việc, họ chỉ nhìn vào kết quả rồi vội buộc tội ngay con mình. Ý kiến đánh giá chủ quan của phụ huynh sẽ khiến cho đứa trẻ càng thêm tức giận. Nhiều phụ huynh cũng tin vào cặp mắt của mình mà bỏ qua lý do phía sau hành động của con, dẫn đến việc con cái ngày càng xa cách, không muốn tâm sự với bố mẹ nữa.
Vì vậy, trước tiên phụ huynh nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình, xem xét vấn đề dưới góc độ của trẻ và hỏi trẻ chuyện gì đã xảy ra? Hãy cho trẻ một khoảng thời gian để suy nghĩ và phản ánh, để trẻ phát hiện ra gốc rễ của hành động hoặc vấn đề đang khúc mắc.

3. Con suy nghĩ ra sao về chuyện này?
Khi trẻ mắc lỗi, phụ huynh có thể hỏi trẻ với tâm thế thoải mái, bình tĩnh rằng: Con thấy hiện tại con đã làm gì sai? Vì sao lại như thế?
Hãy để bọn trẻ bày tỏ những gì chúng nghĩ và trao đổi với chúng những suy nghĩ của bố mẹ. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề, giúp cho con nhìn nhận lại sự việc và hành động của mình mà còn nâng cao tình cảm giữa con cái và bố mẹ.
4. Con nghĩ cần phải làm gì tiếp theo?
Điều quan trọng nhất sau khi mắc lỗi thì trẻ phải biết cách sửa chữa. Bố mẹ có thể khuyến khích con bằng cách nói về sai lầm của con và để con tự nhận định, đánh giá xem chúng có thể làm gì để cải thiện, hoặc nếu lần sau còn phạm phải thì trẻ sẽ làm gì. Bằng cách hướng dẫn này, bố mẹ sẽ giúp cho con có cái nhìn sâu hơn về sai lầm đã mắc phải, nhận biết được hệ quả của một hành vi xấu và rút kinh nghiệm cho lần sau.