Thủ tướng Lý Hiển Long của Tân Gia Ba (Singapore) trong diễn văn tại hội nghị Shangri-La đã đề cập đến giai đoạn VN xâm lăng (invasion) Campuchia (từ 12/1978 tới 9/1989). Lời phát biểu của ông mở lại hồ sơ lịch sử mà đến bây giờ dư luận thế giới vẫn còn tranh luận. VN chiếm đóng Campuchia đúng ở chỗ nào và sai chỗ nào? Tính trung thực của lịch sử phán xét ra sao?
Trở lại bối cảnh lúc bấy giờ, Khmer Đỏ tiến hành cuộc diệt chủng theo đường lối của Pol Pot. Biên giới VN giáp với Campuchia đã xảy ra những cuộc tàn sát người VN, Việt kiều tại Campuchia cũng bị truy diệt. Bởi lẽ ngay cả người trí thức và tiểu tư sản Campuchia mà Pol Pot còn không để yên, nói chi đến người Việt. Thêm vào đó chủ nghĩa dân tộc và sự tị hiềm, ganh ghét tiềm ẩn, vẫn là động lực phía sau việc truy diệt người Việt Nam.
Đảng csVN dưới quyền lãnh đạo của Lê Duẩn ngả theo Liên Xô xoay lưng lại với TC, mâu thuẫn giữa Việt cộng và Tầu cộng kéo theo quan hệ với Khmer Đỏ ngày càng tồi tệ. Hơn thế nữa, chính sách của Lê Duẩn, hàng xóm Campuchia phải thuần phục hoặc là bạn chứ không thể là thù địch. Cho nên tiến quân sang Campuchia cùng một lúc mượn cớ tiêu diệt chế độ Khmer đỏ, giữ yên biên giới phía Tây VN. Và rồi Đặng Tiểu Bình ‘dạy cho VN một bài học’ khi xua quân đánh vào 6 tỉnh biên giới Bắc VN (2/1979). Lê Duẩn cùng một lúc lún sâu vào cuộc chiến chống Khmer Đỏ và chống TC.
Trên nguyên tắc, giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng Khmer Đỏ là nghĩa cử và hành động không sai. Nhưng cái sai là đem quân sang giúp và ở lại chiếm đóng, giành vai trò cai quản Campuchia trên 10 năm. Đặc biệt lập lên chế độ Heng Samrin rồi đến Hun Sen hơn 30 năm vẫn cầm quyền. Hiện nay Hun Sen có chiều hướng theo Tầu cộng và sẽ đang dần quay lưng lại với VN.
Giúp hàng xóm qua khủng hoảng, nhưng không có nghĩa là đóng chốt tại nhà hàng xóm. Đúng ra khi dẹp xong Khmer đỏ, VN nên trao quyền tạm cai quản Campuchia cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới đúng. LHQ mới chính danh điều hành và giúp Campuchia tổ chức tuyển cử và lập chính phủ. Làm được như thế có lẽ không ai có thể chê trách và qui kết cho VN là xâm lược..
TT Singapore nói lên sự thật lịch sử, vì lúc đó không chỉ có Singapore nhìn vấn đề như thế, mà cả 5 quốc gia của khối ASEAN (Singapore, Thailand, Malaysia, Indonesia và Philippine) đã có thông cáo chung kết án VN xâm lăng Campuchia. Hoa Kỳ, khối đồng minh Âu Châu, Úc Châu và ngay cả TQ cũng phản đối và kết án VN xâm lược.
Nhìn vấn đề một cách trung thực, hành động của VN có 2 mục tiêu tích cực là ngăn chặn nạn diệt chủng Pol Pot và ổn định tại vùng biên giới. Nhưng làm được 2 việc này không có nghĩa là biện minh cho việc đem quân xâm lăng Campuchia là đúng, càng không thể nói rằng việc làm ấy là nghĩa vụ Quốc tế. Ta không thể vịn bất cứ lý do gì để tráo đổi hành động đem quân sang nhà hàng xóm và đóng chốt ở đó, danh từ xâm lăng (invasion) vẫn là chính danh phải gọi. Thủ tướng Singapore nói như thế là đúng. Ông ta không kết tội VN đúng hay sai. Thế thì tại sao phải mắng nhiếc, hằn học và đòi ông ta phải xin lỗi? Lại còn có lý luận cho rằng TT Lý Hiển Long bắt đầu xoay trục về TQ. Đả kích VN là làm dùm cho TQ. Hoặc dẫn giải khác đi rằng Singapore đang sợ VN vượt qua mặt ảnh hưởng mạnh cả về kinh tế, chính trị nên TT Lý Hiển Long lên tiếng để hạ giá VN. Dù với bất cứ lý lẽ nào hay giải thích ra sao, thì việc TT Singapore nói về 1 sự kiện lịch sử vẫn là sự thật. Nhất là trong bối cảnh hiện nay các nước lớn lăm le đòi xâm lăng nước nhỏ, mà chúng ta biết họ là ai. Ông Lý Hiển Long cũng nói trong bối cảnh tiễn biệt cựu TT Thái Prim, vị tướng đã giữ vững chính trị và quân sự Thái Lan thời gian mà VN đánh đuổi Khmer Đỏ qua biên giới Thái-Campuchia.
Dân chúng VN, những người sống và nhìn qua lăng kính chế độ csVN hiện tại, hình như họ quá thiển cận và chủ quan. Ngày xưa quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh đến giúp VNCH để bảo vệ tự do dân chủ thì họ cho đó là hành động xâm lăng. Còn khi họ đem quân sang chiếm đóng Campuchia trên 10 năm, thì đó không phải là xâm lược, mà là làm nghĩa vụ quốc tế! Thế nghĩa là sao?
Cùng một hành động (tương tự) nhưng tùy theo chính kiến và góc độ nhìn khác nhau, sẽ dẫn đến những kết luận khác nhau. Đối với VC thì việc họ làm lúc nào cũng chính đáng, dù nó xấu xa, bẩn thỉu, lừa gạt, mị dân đến đâu, như việc giải phóng miền Nam. Ngày nay ai ai cũng nhận ra cái gọi là giải phóng miền Nam chỉ là cuộc xâm lăng và cưỡng chiếm một cách trắng trợn. Dù cho csVN có uốn cong lịch sử theo cái nhìn của họ, dù với lý lẽ gọi là nghĩa vụ quốc tế. Sự trung thực của lịch sử VN và cả Campuchia nữa, sẽ mãi mãi ghi lại giai đoạn xâm lăng này.
Adelaide Tuần Báo