Nếu cha mẹ thực hiện những điều sau đây, qua thời gian con trẻ sẽ bồi đắp được lòng tự trọng. Đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người có đức hạnh cao quý, đem lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.
Tự trọng là gì? Nó không phải là sự kiêu ngạo, háo thắng ganh đua để chứng tỏ bản thân mình là quan trọng. Người có lòng tự trọng chân chính có tiêu chuẩn đạo đức cao, giữ gìn sự tôn nghiêm của bản thân, luôn giữ mình cao quý dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Lòng tự trọng được rèn giũa qua cả một quá trình, nó được nuôi dưỡng, vun đắp bởi các bậc cha mẹ từ khi còn nhỏ. Người có lòng tự trọng cao sẽ thành công và hạnh phúc, bởi vì họ biết cách xử lý các vấn đề, đương đầu với khó khăn, thất bại và thử thách trong cuộc sống. Họ cũng là người có uy tín và được tôn trọng trong cộng đồng.
Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý để giáo dục trẻ về lòng tự trọng.
1. Cho con biết rằng bạn rất yêu thương bé
Hãy cho con biết rằng bạn rất yêu thương bé, để con cảm nhận rằng chúng được yêu thương rất nhiều. Thứ nhất, điều này khiến con luôn cảm thấy an toàn. Thứ hai, nó sẽ hình thành tình yêu thương trong trái tim trẻ. Khi lớn lên, đứa trẻ tiếp tục xây dựng và phát triển tình yêu thương trong các mối quan hệ với người khác. Tình yêu thương là nền tảng giúp hình thành các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc đời con người. Vì vậy, hãy luôn ôm con khi chào và tạm biệt, cùng đọc sách, nấu ăn và luôn thể hiện tình yêu thương với trẻ mỗi ngày.
Mặt khác, khi con bạn làm việc nào đó sai trái, hãy tách bạch hành vi sai trái đó ra khỏi con người tổng thể của con bạn. Mỗi chúng ta đều có sẵn một “chương trình nổi đoá” và chỉ cần ai đó “nhấn nút”, bạn sẽ bị kích thích và tức giận. Tuy vậy, hãy kiềm chế. Đừng la hét, nếu cần thì hãy kỷ luật nhưng phải loại sạch cảm xúc tiêu cực khi bạn thực hiện việc kỷ luật đó. Việc kỷ luật này là để giúp con bạn trở nên tốt hơn chứ không phải để giải toả cảm xúc bực dọc của chính bạn.
Tốt nhất nên để trẻ tự nhận được hậu quả một cách tự nhiên từ hành vi sai trái của chúng. Công việc của bạn là chỉ cho chúng biết về hậu quả này. Hãy nói chuyện nghiêm túc nhưng tôn trọng. Cách bạn hành xử với con trẻ sẽ là bài học để chúng noi theo.
Ý nghĩa: Tình yêu thương rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng. Một người biết yêu thương, cảm thông và luôn nghĩ tới người khác sẽ là người có trách nhiệm trong hành vi và tư duy của bản thân mình. Họ bao dung với người nhưng nghiêm khắc với bản thân.
2. Vui chơi cùng với trẻ
Trẻ em rất thích chơi với bố mẹ. Khi chơi cùng con, bạn sẽ cho chúng thấy rằng bạn muốn dành thời gian cho chúng và coi trọng sự hợp tác. Trong quá trình vui chơi cùng trẻ, cha mẹ sẽ dễ dàng truyền đạt những bài học một cách đơn giản nhẹ nhàng và trẻ dễ tiếp thu. Ví dụ như khi chơi cờ vua hay cá ngựa, nếu tụi nhỏ tranh cãi nhau và không tôn trọng luật chơi, bạn sẽ dạy chúng cách tuân thủ luật chơi để mọi người cùng vui vẻ.
Chơi cùng con có vô số lợi ích như: giúp trẻ hình thành và phát triển sự tự tin, tinh thần hợp tác, trở thành một người vui vẻ và thú vị, làm tiền đề xây dựng những mối quan hệ xã hội vững chắc sau này. Các nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên chơi cùng con sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn, giảm nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng.
Ý nghĩa: Trẻ em thích vui chơi, chúng sẽ tiếp thu bài học thông qua những trò chơi. Khi chơi cùng trẻ, bạn không chỉ tạo sự gắn kết trong gia đình mà còn dễ dàng truyền tải các bài học về xử lý tình huống và định hình tư duy của trẻ.
3. Cho con cơ hội chịu trách nhiệm
Nên giao công việc phù hợp cho trẻ và để trẻ học cách chịu trách nhiệm với những việc bạn giao. Điều này sẽ tạo cho trẻ ý thức về mục đích, thành tựu và trách nhiệm. Ngay cả khi chúng làm công việc đó chưa được tốt thì hãy luôn động viên và khen tặng vì nỗ lực của chúng. Nếu làm tốt hãy khen tặng thành quả chúng đạt được, nếu chưa tốt hãy động viên trẻ kiên nhẫn rèn luyện để làm cho tốt.
Ví dụ, bạn giao cho chúng làm việc nhà, hãy “nghiệm thu” đánh giá công việc của chúng. Chỉ cho chúng biết về hiệu quả hay hậu quả của việc mà chúng làm. Lưu ý: bạn luôn cần dạy con có thái độ tích cực khi gặp thất bại. Hãy chỉ ra cho chúng rằng, trên thực tế con người luôn mắc lỗi và không hoàn hảo. Những thất bại và lỗi lầm là các bài học dạy chúng ta tính kiên trì và tiếp tục cố gắng để cải thiện. Hãy coi thất bại là bài học quý giá và là bậc thang để tiếp tục bước lên.
Bạn cần tạo cơ hội để con tự làm các việc vừa sức như tự sắp xếp đồ đạc của chúng, dọn dẹp phòng ốc, tự xử lý các vấn đề xung đột với bạn bè (bạn có thể tham gia với vai trò “cố vấn”). Để chúng tự nói chuyện với thầy cô và những người lớn khác để giải quyết vấn đề, bạn chỉ tham gia khi trẻ cần hỗ trợ. Bạn cũng cần thống nhất quan điểm với trẻ từ đầu về điều này.
Một cách khác cũng hiệu quả và thú vị là cha mẹ trưng bày các thành quả lao động của con như các bức tranh hay các đồ dùng thủ công chúng đã làm. Khi người khác nhìn thấy và ghi nhận những sản phẩm đẹp, trẻ sẽ nhận được sự khuyến khích.
Ý nghĩa: Tự chịu trách nhiệm là một hòn đá tảng trong việc rèn luyện lòng tự trọng. Mỗi việc con trẻ làm chúng đều biết cân nhắc. Nó cũng giúp xây dựng khả năng tự ra quyết định, dám làm dám chịu, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác.
4. Tôn trọng con
Dù bé ở lứa tuổi nào thì bạn cũng cần tôn trọng chúng, chú ý lắng nghe những lời chúng nói một cách chân thành. Cho con nhận thấy rằng tất cả những ý kiến của con đều rất được cha mẹ quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu. Không hứa bừa và thất hứa, cần cân nhắc mỗi khi trẻ đưa ra đề nghị, một khi đã hứa bạn cần phải thực hiện. Một khía cạnh khác của sự tôn trọng là bạn cần luôn thành thật với con, cũng như khuyến khích con thể hiện sự thành thật trong hành động và lời nói.
Ý nghĩa: Khi bạn tôn trọng con trẻ, chúng cũng sẽ học được cách tôn trọng bản thân mình cũng như người khác.
Với những việc làm trên đây của cha mẹ, lòng tự trọng sẽ từ từ được nuôi dưỡng trong con trẻ qua thời gian. Đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành người có đức hạnh cao quý, có sức ảnh hưởng tới người khác, đem lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.