Solomon Islands (SI) là thuộc địa của Anh cho đến 1975 và chính thức là quốc gia hải đảo từ 1978 với dân số hiện tại chỉ khoảng 700 ngàn người. Đã từ lâu SI ví như điểm du lịch và là sân sau của Úc và Tân Tây Lan (TTL) vì chỉ cách bờ biển Queensland khoảng 2 ngàn cây số. Thế nhưng nay đang trở nên tâm điểm của một cuộc tranh luận, khả dĩ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Úc và TTL như đã đề cập trong bài quan điểm trước đây.
Thủ tướng Solomon Islands, ông Manasseh Damukana Sogavare đã nhiều lần viếng thăm Trung Quốc (TQ) , ông ta cũng nhiều lần mời các quan chức Tầu cộng (Tc) đến quốc đảo này và cuối cùng họ đã ký và hợp tác an ninh với nhau. Đằng sau những diễn biến như thế thì dư luận cho rằng Tc đã chủ tâm mua chuộc ông Sogavare ngay từ khi ông ta lên làm thủ tướng từ 2019. Nói một cách cụ thể Tc dùng tiền, rất nhiều tiền để khuyến dụ. Sogavare được tiếp đón hết sức trọng vọng tại Bắc Kinh và nhiều người cho rằng ngoài những khoản trợ cấp cho SI, thì cá nhân ông Sogavare cũng được đút túi không ít? Một quốc gia nghèo có gì mất gì, Sogavare cần gì phải lưỡng lự trước những món tiền hậu hĩnh. Chính phủ SI cần gì phải quan tâm đến ý đồ phía sau của Tc trong chiến lược bành trướng? Hẳn nhiên một chính phủ của quốc gia còn ‘hoang dã’ như SI làm sao lường trước những gì sẽ xảy ra.
Việc Tc đăt cơ sở quân sự trên SI đang biến thành cái gai nhọn làm nhức nhối cho Úc, TTL và Nam Thái Bình Dương, kể cả đảo Guam của Mỹ. Tại sao? Bởi vì địa chính trị của SI sẽ cho phép Tầu Cộng tiến xa, sâu vào sân sau của các nước trong vùng nhất là Úc Châu và TTL. Nếu Tc lập căn cứ quân sự tại SI thì đó là dấu hiệu chẳng lành cho an ninh Úc và TTL. Đại sứ Xiao Qian của Tc tại Canberra mới đây vẫn còn ra rả nói rằng, Úc và TTL chẳng có gì phải lo, việc ký kết thỏa hiệp an ninh giữa TQ và SI không ảnh hưởng gì đến an ninh các quốc gia trong vùng, trái lại sẽ ổn định hơn cho khu vực!? Ai có thể tin được miệng lưỡi của chế độ Tc?
Chính phủ Liên Đảng Morrison tuy ý thức và có quyết tâm đương đầu với Tc nhưng đã đi chậm một bước trong việc ngăn chặn hợp tác giữa SI với Tc. Chế độ của Tập Cận Bình đi trước trong việc mua chuộc SI bằng tiền. Sự hối tiếc ấy nay đang trở nên nỗi ám ảnh và là điểm tiêu cực cho việc tái đắc cử của chính phủ Morrison. Trong khi Đối lập Lao Động cũng chẳng thể làm gì hơn vì Tc đặt chân được trên sân nhà của Nam Thái Bình Dương. Ông Peter Dutton mấy ngày qua còn lên tiếng cảnh giác rằng, Tầu gián điệp TQ lảng vảng ngoài khơi Tây Úc, gần khu vực cấm – Exmouth – trạm tín hiệu của Hải quân Úc và Hoa kỳ. Điều này cho thấy lục địa Úc chẳng còn được yên lành như nhiều người trong chúng ta vẫn ngủ mê về một đất nước không có bất cứ mối đe dọa nào.
Úc là mục tiêu số 1 trong vùng Nam Thái Bình Dương mà Tc nhắm thâu tóm. Đó là một khẳng định chứ không còn là nghi vấn. Bởi vì lục địa này có quá nhiều thứ mà Tc thèm muốn, nguồn tài nguyên gần như vô tận và đất đai thì mênh mông. Việc Tc thiết lập căn cứ quân sự tại SI đồng nghĩa với bức tranh sân sau của Úc và Tân tây Lan đã bị ’chọc thủng hàng rào’, một thời kỳ không còn an toàn đang diễn ra.
Một số chính trị gia cho rằng Tc chủ tâm ký thỏa hiệp với SI trước thềm cuộc bầu cử Liên Bang Úc là có chủ đích nhằm thao túng (interference) vào chính trị Úc. Động thái gây hoang mang, nghi ngờ và làm yếu đi chiến thuật chống Tc của Liên Đảng. Bởi vì đây là một thất bại lớn trong chính sách giữ cho lục địa Úc Châu được an toàn của Liên Đảng. Chính phủ Morrison có Peter Dutton làm bộ trưởng Quốc Phòng rất cứng rắn mà còn chậm một bước trong chiến lược xâm lấn của Tc thì liệu đảng Lao Động có làm thay đổi thế cờ hay còn tệ hơn?
Lao Động hay Liên Đảng thắng cũng đã quá trễ trong chiến lược ngăn chặn Tc tiến vào sân sau. Nhưng có thể nói Liên Đảng vẫn duy trì quyết tâm chống Tc một cách mạnh mẽ trong khi Lao Động lại có vẻ mềm yếu hơn và có lẽ thái độ dung hòa sẽ thống trị chính sách của họ một khi bà Penny Wong lên làm bộ trưởng Ngoại Giao và ông Brandon O’Connor làm bộ trưởng Quốc Phòng. Dù là chính phủ nào đi nữa thì cử tri Úc vẫn là nhân tố quyết định số phận Úc Châu. Cử tri có đặt lợi ích an ninh quốc gia trên các lợi ích khác, khi chọn chính phủ trong 3 năm tới hay chăng?
Adelaide Tuần Báo