Trich: Theo BS Lưu Thuỷ Hương, từ Germany. Đây là thời điểm rất khó khăn để chống dịch covid
Bạn đề nghị tôi phổ biến lại những biện pháp chống dịch của nước Đức để chính quyền Việt Nam (hay Sài Gòn) học hỏi.
Bây giờ không là lúc học hỏi nước Đức nữa, vì khoảng cách về năng lực đã quá xa, không còn một mối liên hệ nào để bắc cầu học hỏi.
Hơn một năm rưỡi, các nước Âu-Mỹ chấp nhận đối đầu trực tiếp với dịch bệnh, chấp nhận thương vong khủng hoảng, chấp nhận mất mát để có được vaccine, có được những nghiên cứu khoa học và dân sinh thiết thực, và hơn hết – để hiểu rõ hơn bản chất hung bạo của virus.
Hơn một năm rưỡi, Việt Nam đóng cửa cầm cự. Lẽ ra, đó là biện pháp đúng đắn: yếu thì không đối đầu. Nhưng tinh thần thì hoàn toàn sai: yếu mà không lo học hỏi và chuẩn bị.
Hơn một năm rưỡi, chính quyền Việt Nam chỉ tuôn ra những lời ngạo mạn: chống dịch giỏi nhất thế giới, tìm ra vaccine, tìm ra thuốc chữa… mới đây nhất là tuyên ngôn ngớ ngẩn của Bộ trưởng Y tế: “Theo Bộ trưởng Y tế, quý 1/2021, Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vaccine”. Những nước tìm ra vaccine như Đức, Anh, Mỹ nghe câu này mà còn tiếp tục cung cấp miễn phí vaccine cho Việt Nam thì họ đúng là thánh hiền.
Đến nước này mà chính quyền còn nằm trong chăn, ôm bàn đèn thì học hỏi cái gì? Chiến lược chống dịch của Việt Nam như con thuyền rách nát, vá chỗ này này bung chỗ kia. Lại cứ loạng quạng chèo đi trong giả dối. Đã quá muộn màng để học hỏi Âu-Mỹ.
Bây giờ, có học chăng là học những nước trong tận cùng thống khổ, phải tìm cách tồn tại và chống chọi ra sao. Những nước như: Ecuador, Ấn Độ, Indo…
Xin đau lòng nói ra, tôi không thể tiếp tục phổ biến các biện pháp chống dịch ở Đức. Dịch bệnh ở Việt Nam đã bùng phát ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, chỉ vì quá ít xét nghiệm mà bạn không nhìn nhận được tình hình thực tế thôi. Y tế Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng. Kinh tế Việt Nam rối loạn trong thiếu hụt.
Ngay cả khi tôi viết về chiến lược của Đức: cho tất cả các F1, F0 cách ly tại nhà để y tế đứng quá tải, kinh tế đừng rối loạn thì Việt Nam cũng không thực hiện được, vì:
– Cách ly người bị nhiễm tại nhà, nhưng không bảo đảm hỗ trợ y tế cho họ, không thể mang họ đi cấp cứu khi bệnh chuyển biến nặng (bắt đầu thở gấp) thì họ cũng chết bệnh tại nhà.
– Cách ly người bị nhiễm tại nhà, nhưng không đảm bảo hỗ trợ thực phẩm cho họ, thì họ cũng chết đói tại nhà.
Vậy thì còn viết làm gì nữa.
Vấn đề khác biệt lớn nhất là gì? Tôi xác định rõ ràng: là thể chế chính trị.
Vào thời điểm thế giới còn chưa có vaccine, vào thời điểm con người còn hoang mang tột độ vì chưa hiểu được con virus – chính quyền Đức đã phải lùi lại phía sau, đưa các nhà khoa học lên vị trí lãnh đạo cuộc chiến.
Một thời khắc kỳ lạ, nó chỉ xảy ra một lần trong lịch sử nước Đức, nhưng nó cứu cả nước Đức.
Người dân có thể không tin vào lãnh đạo (dù là lãnh đạo do chính họ bầu ra), nhưng trong cơn hoạn nạn, họ sẵn sàng nắm lấy bàn tay của các nhà khoa học. Và người làm khoa học, luôn có bàn tay nhân ái, thiện lương.
Tôi đã sống qua thời khắc khác thường của nước Đức, mỗi buổi tối, tôi không nhìn thấy bộ mặt những nhà lãnh đạo đất nước trên ti vi. Mỗi buổi tối, trước mặt tôi là khuôn mặt khắc khổ lo âu của các nhà khoa học hàng đầu nước Đức. Và một ngày, đại dịch chững lại, tôi bất ngờ nhận ra: mái tóc của họ đã bạc trắng.
Cảm ơn Christian Drosten (giáo sư ngành virus học của Đại học Charité) và Lothar Wieler (chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bác sĩ thú y, viện trưởng viện Robert Koch). Cảm ơn đoạn đường mà các ông đã đưa nhân dân Đức đi qua.
Sự yên lành và bình tĩnh trong những ngày đầu của đại dịch, ngay trong tâm dịch của thế giới, là cái mà người dân Việt Nam không thể nào có được. Sự tin tưởng tuyệt đối vào chiến lược của các nhà khoa học là cái mà chính quyền Việt Nam không bao giờ thực hiện được. (Hết trích)
(Theo Facebook’s Huy Luu)