Ngày mà chủ tịch Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan được ví như là ngày ‘nóng’ (hottest day) nhất của thế kỷ! Đó là nhận định của bình luận gia Andrew Bolt trên đài truyền hình Sky News (Úc). Lời nhận xét chẳng ngoa vì những tuyên bố hù dọa, răn đe của csTQ và việc Hoa Kỳ bước qua lằn ranh đỏ. Bà Pelosi bước qua một cách hiên ngang với 19 giờ hiện diện trên đảo Đài Loan! Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ thường được coi là yếu kém trước sự trỗi dậy của Tầu cộng nhưng đối với bà Pelosi thì không. Tuy chuyến đi của bà Pelosi chỉ có tính cách biểu tượng nhưng lại làm cho chính quyền csTQ điên tiết! Cho nên họ đã phô diễn quân sự như chưa từng có, xung quanh và trên không phận đảo Đài Loan.

Trong bài diễn văn tại Đài Loan Pelosi đã nhấn mạnh: Mỹ đoàn kết với 23 triệu người Đài Loan hơn bao giờ hết, vì thế giới đang đối mặt sự lựa chọn giữa độc tài và dân chủ (America’s solidarity with the 23 million people of Taiwan is more important today than ever, as the world faces a choice between autocracy and democracy). Lời phát biểu này là một khẳng định làm ấm lòng người Đài Loan đồng thời đáp trả sự hung hãn của chính quyền độc tài csTQ.
Bà Pelosi tuy đã 82 tuổi nhưng rất cứng rắn trong vai trò chủ tịch Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ. Trong nước bà được coi là ‘khắc tinh’ của ông Trump bên ngoài bà là khắc tinh của chính quyền csTQ. Thực vậy, cách nay 31 năm (1991) bà từng đến Thiên An Môn giăng biểu ngữ phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của đảng csTQ tháng 6/1989. Bà thường xuyên chỉ trích Tầu cộng về nhân quyền và đàn áp dân chủ. Việc bà Pelosi quyết tâm đến thăm Đài Loan trong lúc Tầu cộng ‘giương oai’ quả là một cú tát mạnh vào mặt chính quyền hống hách Tầu cộng.

Cuộc viếng thăm này nên nhìn dưới hai chiều kích trái ngược nhau: Một là tái xác lập chính sách tuy công nhận một Trung Quốc nhưng cũng không loại bỏ một Đài Loan với nền dân chủ của 23 triệu người. Nó cũng khẳng định chính sách không rõ ràng và không dứt khoát của Hoa Kỳ, họ sẽ đi nước cờ nào cuối cùng về vấn đề Đài Loan? Phần lớn ta có thể thấy dưới áp lực của Đồng Minh Hoa Kỳ và quyền lợi riêng, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nhằm mục đích chính là kiềm chân Tầu cộng. Nếu Mỹ thất bại giữ nguyên trạng (status quo) hoặc bảo vệ được Đài Loan thì vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và đặc biệt tại Thái Bình Dương sẽ yếu dần và Tầu cộng tiến xa thêm một bước.
Cái nhìn thứ hai là, cuộc viếng thăm này trở thành cái cớ cho Tập Cận Bình tiến tới mục tiêu chiếm Đài Loan sớm hơn. Cụ thể ông ta vẫn cảnh báo rằng, sẽ không để yên cho bất cứ hành động khiêu khích nào của Hoa Kỳ và rằng mắt họ vẫn mở to trước mọi diễn biến. Mà cụ thể là Tầu cộng cho diễn tập bắn tên lửa xung quanh biển Đài Loan liên tục trong mấy ngày liền.

Đứng ở góc độ của người Việt Quốc Gia, chúng ta mong mỏi Hoa Kỳ giữ vững lập trường bảo vệ Đài Loan đến cùng. Bởi vì quyền tự do của 23 triệu người Đài Loan cần phải được bảo vệ. Chính quyền csTQ cho rằng Đài Loan là một phần của họ, đó là một sự áp đặt trắng trợn và lưu manh. Đài Loan có chính phủ dân chủ và người Đài Loan không muốn qui phục Tầu cộng, hà cớ gì Tầu cộng cưỡng ép họ?! Thế giới dân chủ có nhìn thấy vấn đề này và cương quyết lên tiếng bảo vệ dân Đài Loan hay cũng vì quyền lợi kinh tế riêng mà đánh đổi lương tâm?
Việc bà Pelosi cương quyết đến Đài Loan, có thể được coi như Hoa Kỳ thắng một thế cờ nhưng sẽ còn nhiều thế cờ trước khi chung cuộc. Bị hớ vì Hoa kỳ coi nhẹ lời dọa nạt của mình, Tầu cộng đang tung ra những thế cờ khác nhằm cô lập và tạo nhiều bất an cho 23 triệu dân Đài Loan. Liệu Hoa Kỳ có giữ vững lập trường bảo vệ Đài Loan như đã được ký kết năm 1979?
Đối với thế giới, chuyện Đài Loan không nên coi là chuyện nhỏ, càng không nên coi đây là chuyện nội bộ của người Trung Hoa. Bởi vì nếu Tầu cộng có thể làm được điều mà họ muốn làm với Đài Loan thì họ sẽ làm với các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trung Hoa có thể trở thành siêu cường và ảnh hưởng toàn cầu về các giá trị văn hóa lịch sử nhưng không phải là Tầu cộng, một thể chế xuất phát từ cái ác, lấy gian manh độc ác để cai trị. Riêng Hoa Kỳ, phải duy trì vị trí siêu cường, là cảnh sát toàn cầu và đừng biến Đài Loan thành món hàng trao đổi với Tầu cộng vì quyền lợi riêng hay vì nhu nhược mà lùi bước trước sự trỗi dậy của kẻ ác.
Adelaide Tuần Báo