Đã nhiều bài quan điểm trước đây bàn về ngân sách quốc gia Úc. Gần đây tình trạng kinh tế vẫn chậm chạp, mức tăng trưởng thấp khiến nhiều người yêu cần chính phủ tiếp tục đầu tư và đổ tiền ra cho các dự án nhằm kích thích kinh tế. Điều này có thực sự đúng hay sai. Đảng Lao Động đã từng áp dụng phương cách này thời chính phủ Rudd và Gillard (2007-2013). Cũng chính giai đoạn này mà ngân sách quốc gia Úc bị thâm thủng trầm trọng, cho đến nay vẫn còn món nợ khổng lồ trên 370 tỉ đô.
Trên The Australian (26/10) chủ bút chuyên về kinh tế bà Judith Sloan đã có bài phân tích khá xác thực, dẫn chứng cụ thể về học thuyết ‘xài xả láng’ để kích thích nền kinh tế. Theo bà, phương cách này không những sai mà còn làm cho quốc gia nợ nần chồng chất, đẩy món nợ ấy cho các thế hệ mai sau phải gồng gánh. Khi nói đến khuynh hướng hoang phí ngân sách bà nhắc ngay đến các triều đại Lao Động, mà Rudd và Gillard là nghiêm trọng hơn cả, suốt 6 năm họ lãnh đạo ngân sách thâm thủng từ 1.2 đến 4.2 % tổng sản lượng quốc gia (Gross domestic product GDP). Nghĩa là năm nào cũng vài chục đến hàng trăm tỉ đôla!
Bà Judth Sloan có cùng quan điểm với một số người mà châm ngôn VN ta thường nói ‘lựa cơm gắp mắm’, nghĩa là tiêu xài theo khả năng mình có, đừng vung quá tay. Những lý lẽ cho rằng cứ bỏ tiền ra để xây dựng cơ sở vật chất, cả khi nhu cầu không cần đến, hay tạo công ăn việc làm cho dân (mà không cần phải thuộc lãnh vực sản xuất) thậm chí trợ cấp hay phát không để dân có tiền mua sắm etc.. Với mục đích kích thích phương trình sản xuất và tiêu dùng thì nền kinh tế được kích hoạt theo. Những bằng chứng cho thấy suốt thời gian mà Úc tránh được khủng hoảng kinh tế và tài chánh thời 2008, không phải là xài xả láng để kích hoạt kinh tế, mà do xuất cảng của Úc, đặc biệt sang TQ làm cho nền kinh tế thập niên ấy không bị ảnh hưởng cho lắm.
Mới đây Đối lập Lao Động về ngân khố, dân biểu Jim Chalmer cũng kêu gọi chính phủ Morrison hãy tiếp tục kích thích kinh tế bằng cách lới lỏng việc tiết kiệm tiền, nghĩa là cứ xài tiền đừng đặt mục tiêu dè xẻn để thặng dư, hãy dùng ngân sách mạnh tay để kích thích kinh tế hơn nữa. Bộ trưởng Ngân khố ông Josh Frydenberg đã chỉ ra rằng, Lao động thặng dư ngân sách lần cuối cùng dưới thời Paul Keating là bộ trưởng (1989-1990) và lúc mà ông Jim Chalmer vẫn còn đang ở bậc tiểu học, ý rằng Lao Động không hề có khái niệm để dành tiền và đó là sự châm biếm về một đảng lãnh đạo xem ra vô trách nhiệm về tài chánh quốc gia! Liên Đảng chủ trương phải kiềm chế ‘xài xả láng’ bởi vì không thể dùng tiền của kẻ khác và để lại món nợ cho các thế hệ mai sau phải trả.
Truyền thống của Liên Đảng là để dành tiền trong khi vẫn phát triển kinh tế đúng mức. Việc dùng tiền kích thích kinh tế chỉ là một cách, mà cách ấy có khi gây tác động dây chuyền tiêu cực. Trong khi giảm thuế cá nhân và thuế công ty là một cách hiệu quả và thu hút số lượng đầu tư sản xuất nhiều hơn ngay trên đất Úc. Bà Judth Sloan đưa ra 2 ví dụ cụ thể: Pháp và Nhật trong vài thập niên qua. Ngân sách của Pháp thặng dư lần cuối cùng năm 1974 cho đến nay gần nửa thế kỷ ngày càng lún sâu vào món nợ khổng lồ. Với cách xài tiền quá tay Pháp ngày nay còn phức tạp và thê thảm khi mức thất nghiệp có khi đến 10%. Nhật cũng bị đình trệ trong mười năm qua với món nợ công cao ngất. Tuy nhiên dân chúng Nhật, ký thác của cải và gồng gánh cùng với chính phủ nên tình trạng tài chánh và kinh tế của Nhật khá hơn.
Nhìn vấn đề một cách khách quan, chỉ lấy đơn vị của gia đình làm chuẩn để biết quốc gia cần phải như thế nào. Bất cứ gia đình nào cứ đi mượn nợ để tiêu xài thì chuyện gì sẽ xảy ra. Ai sẽ trả nợ và ai vẫn tiếp tục cho vay mượn hoài nếu không có khả năng hoàn trả? Một phương trình không xứng giữa thu và chi ắt đưa đến đáp án sai lệch. Chính sách Của Liên Đảng trong việc cân bằng ngân sách là đúng và cần thiết để một quốc gia không ngụp lặn trong nợ nần, Tư thế vững mạnh về tài chánh cho phép quốc gia chủ động trong nhiều lãnh vực, một khi cần đến tài chánh trong hòa bình cũng như khi chiến tranh xảy ra.
Adelaide Tuần Báo