Adelaide Tuần Báo – Chỉ còn 2 ngày nữa là cuộc bầu cử tiểu bang Nam Úc Châu diễn ra, Các đảng phái cũng như cá nhân tranh cử một cách ráo riết, khoe khoang thành tích đã làm được cũng như những dự tính… chưa hề thực hiện! Họ chẳng bao giờ đề cập đến, nếu không nói là dấu nhẹm cho bằng được, những thất bại của mình. Ngược lại, tìm cách moi móc sơ hở của đối phương để bêu
rêu công khai nhằm hạ bệ đối thủ. Đó là cạnh tranh trong xã hội tự do và dân chủ tranh cử tại các quốc gia như Úc Châu.
Như đã đề cập trong những quan điểm trước, Lao Động đã lãnh đạo 16 năm, thành quả cũng đạt được, nhưng thất bại cũng không ít. Còn Tự Do suốt 16 năm vẫn loay hoay tìm một tư thế và người lãnh đạo có bản lãnh. Thêm vào cuộc bầu cử này sự xuất hiện của SA Best do ông Nick Xenophon dẫn đầu, một cuộc chạy đua tay ba xem ra rất hào hứng.
Nhìn lại, thành quả ai cũng biết khỏi cần đề cập, vì chính phủ Lao Động dùng nó như bài ca ‘lý lịch’ lãnh đạo 16 năm. Nhưng thử xét những mặt tiêu cực khác xem sao. Để đánh giá đúng đắn và chọn lựa chuẩn xác thì cả 2 mặt tích cực và tiêu cực cần phải biết.
Dân chúng biết trách nhiệm trong việc đóng thuế cho chính phủ có tiền để điều hành việc chung. Nhưng dân không coi nhẹ quyền lợi của mình, một khi quyền lợi ấy bị lợi một cách quá đáng, nếu không nói là bị lừa gạt. Hãy xét xem điều gì làm ta đáng quan tâm và cần phải đặt vấn đề? Một trong những điểm tệ nhất của chính phủ Lao Động Nam Úc Châu là 16 năm
qua giá cả sinh hoạt của tiểu bang Nam Úc Châu tăng quá độ đến mức chóng mặt. Đành rằng giá trị 1 căn nhà trong 16 năm qua có thể tăng gấp đôi hay gấp ba. Điều này cũng xảy ra ở các tiểu bang khác nhất là Sydney thế nhưng những chi phí căn bản như tiền nước, điện và gas ở những tiểu bang khác không đến nỗi mắc mỏ như tiểu bang này.
Hãy nhìn vào tài liệu cụ thể với những con số có thực, từ năm 2002 (Lao Động bắt đầu cầm quyền) đến nay: Tiền nước tăng lên 232%; tiền điện tăng lên 263%. Mặc dù chính phủ Jay Weatherill đã hứa giảm 9% vào năm 2012 Nhưng hiện tại người dân Nam Úc Châu vẫn phải trả tiền điện 30% cao hơn dân chúng tại Victoria và NSW.
Ngoài ra những lệ phí khác mà chính phủ thu vào tăng vọt. Thí dụ lệ phí phục vụ khẩn cấp (Emergency Service Levy – ESL) chính phủ tăng thu đến 281%, các lệ phí khác như Payroll tax, đánh thuế đất và thuế xe cộ tăng theo cấp số nhân, trong khi lợi tức thu nhập của dân chỉ tăng ở mức khiêm nhường!
Chính phủ nào cũng phải thu thuế. Nhưng cũng là chính phủ Lao Động hay Tự Do tại các tiểu bang khác, họ đánh thuế dân chúng của họ một cách chừng mực trong khi dân Nam Úc Châu phải gồng gánh những khoản tiền mà chính phủ tiểu bang xài quá tay. Điều này không phải là ngoa, điển hình nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt dưới triều đại Mike Rann, tốn trên 1 tỉ bạc xây xong và để đó không xử dụng! Bệnh viện mới xây dự trù dưới 2 tỉ, khi xong tốn thêm 640 triệu, tức hơn 2.3 tỉ Đô etc…
Ngoài những thất bại, lãng phí tiền thuế của dân, những vụ tai tiếng cũng không ít, mới nhất là vụ Oakden Aged Care Home. Cơ quan độc lập chống tham nhũng (Independent Commissioner Against Corruption – ICAC) đã tường trình và chỉ ra rằng chính phủ Lao Động đã bất lực và che đậy những sai trái của nhân viên đã đánh đập và hành hạ người già trong viện.
Nhìn một cách khách quan, trong quá trình lãnh đạo dù dưới hệ thống tự do dân chủ như Úc Châu, chẳng chính phủ hay một đảng phái nào hoàn hảo. Có những điểm tích cực nhưng cũng không thiếu tiêu cực. Nhất là một chính phủ cầm quyền càng lâu thì xác xuất những tiêu cực càng nhiều vì cơ hội đổi mới, sự quyết tâm làm một cách năng động, bị xói mòn bởi thời gian cầm quyền lâu. Cộng thêm tính ỷ nại vì nghĩ rằng không có đối thủ nào và dân chúng vẫn còn tín nhiệm mình etc…
Thực ra tiểu Bang Nam Úc Châu đã trải qua 4 lần bầu cử từ 2002 và có 2 lần số phiếu bầu cho Tự Do cao hơn cho Lao Động (tính tổng số). Thế nhưng do phân bố không đồng đều và sự ‘khôn lanh’ của Jay Weatherill đã làm cho Lao Động trở thành đa số trong quốc hội. Nói như thế để hiểu rằng dân chúng cũng đã có chiều hướng thay đổi nhưng đã không đủ mạnh đủ để có kết quả dứt khoát.
Nói tóm, vẫn có một số người quan niệm “Bầu cho ai thì cuộc sống của tôi vẫn như thế”. Có thể đúng với họ trong thực tại nhưng tương lai con cháu có thể sẽ thiệt thòi vì phải gồng gánh thuế nhiều để trả nợ, do chính phủ nào có khuynh hướng xài tiền xả láng. Ngược lại có đảng phái với khuynh hướng hạn chế xài tiền công cộng, nâng cao mức sống qua kinh tế và luôn tìm cách để có tiền dư. Con cháu chúng ta là những công dân tiếp nối trong mươi năm tới, chúng sẽ chọn lựa ai phù hợp với quyền lợi của chúng.
Điều mà mỗi người chúng ta nên làm ngay bây giờ và làm vì quyền lợi, không chỉ riêng cho cá nhân mình mà vì quyền lợi chung của tập thể, cũng như cho con cháu mình mai sau.
Một đất nước tự do và dân chủ như Úc đã cho ta có quyền chọn lựa người lãnh đạo của mình mà không bị một áp lực, hay bất kỳ khuynh đảo nào lấn lướt. hãy coi trọng lá phiếu của mình, nếu lá phiếu bầu cho Hạ Nghị Viện không có tác dụng, thì đừng coi nhẹ lá phiếu bầu cho Thượng Viện.
Adelaide Tuần Báo