ADELAIDE TUẦN BÁO – Quan điểm trước đây đã đề cập về vai trò lãnh đạo Cộng Đồng (Cộng Đồng Người Việt Tự Do – CĐNVTD – vắn tắt là CĐ). Quan điểm này nói về tiêu chuẩn người lãnh đạo CĐ.
Nhìn lại, hơn 18 năm dưới thời ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc Làm chủ Tịch, chỉ có tranh luận về cách điều hành. Nhưng chưa khi nào có tranh luận về quan điểm và lập trường của người lãnh đạo. Trong khi chưa đầy 20 tháng, vị đương kiêm chủ tịch Lê Quang Tín, CĐ đang tồn tại những tranh luận gay gắt về quan điểm và lập trường chính trị, ngay cả tư cách và bản lĩnh của người lãnh đạo. Nhiều đồng hương quan tâm theo dõi những gì đã và đang xảy ra, người im lặng, kẻ lên tiếng. Ít nhiều hoang mang, khiến tính kết hợp và sự hài hòa giữa người lãnh đạo với nhiều thành viên trong CĐ, ngày càng bị soi mòn! Quan điểm này không đưa ra những phán xét về: đúng-sai, hay-dở của người lãnh đạo CĐ hiện tại, mà bàn về mẫu người, hay nói đúng hơn vài tiêu chuẩn của người lãnh đạo CĐ trong hoàn cảnh hiện tại của khối người Việt tự do cần phải có:
1. Quan điểm và lập trường: Người lãnh đạo CĐ, trước hết và trên hết, phải có lập trường quốc gia. Đây là tiêu chuẩn then chốt. Chống và không chấp nhận chế độ độc tài cs dưới mọi hình thức. Lập trường chính trị này là kim chỉ nam. Cho nên bất cứ ai, dù qua lời nói và cách hành xử dưới bất cứ trạng huống nào, không phản ảnh được lập trường chính trị ấy, thì không nên ra lãnh đạo CĐ. Bao lâu chế độ độc tài csVN còn và quê hương dân tộc VN vẫn bị cai trị bởi chế độ đó, thì bấy lâu lập trường của người Việt tự do lưu vong không thay đổi. Đây là một nguyên lý bất biến và là cách chúng ta đóng góp vào việc giải trừ chủ nghĩa độc tài Việt gian cs (Vgcs), hướng đến dân chủ hóa và tự do cho VN.
2. Tư cách và đạo đức: Truyền thống văn hóa dân tộc VN coi trọng người có đức độ trên cả tài năng. Văn hóa Tây Phương cũng thế, không hề coi nhẹ giá trị đạo đức. Vị chủ tịch cần toát lên được tính chất của người trọng đạo đức, không hành xử theo cảm tính, biết cân nhắc giữa lý và tình. Hành động có nhân cách, có nguyên tắc nhưng không thể thiếu sự ý thức của lương tâm trong mọi suy nghĩ, lời nói cũng như hành động.
3. Tư duy độc lập: Người lãnh đạo CĐ cần có tư duy độc lập, vai trò của người chủ tịch không thể nghiêng bên này, ngả bên kia. Bởi lẽ, trong một tập thể, dù nhỏ, vẫn có những xu hướng rất khác nhau. Người lãnh đạo cần khôn ngoan khi lắng nghe ý kiến người khác nhưng chính họ phải có tư duy độc lập trong những quyết định, dựa trên quyền lợi CĐ. Không thể để cho một phe nhóm hay xu hướng nào ảnh hưởng, nhất là xu hướng ấy không đại diện cho đa số, không phản ảnh lập trường của CĐ.
4. Trung thực và minh bạch: Vì là người của công chúng, tính trung thực và minh bạch là thước đo sự tín nhiệm giữa thành viên đối và lãnh đạo. Thiếu trung thực và minh bạch còn dẫn đến những bế tắc khác là sự nghi ngờ, bất tín nhiệm và dẫn đến chống đối. Một người lãnh đạo trung thực trong hành động, minh bạch trong tư duy, nghĩ đúng làm đúng vì quyền lợi chung, phản ảnh được lập trường chung của tập thể thì họ sẽ ít phạm sai lầm. và nếu có thiếu sót, họ dễ dàng nhận trách nhiệm và xin được thông cảm. Được như thế, thì thiết tưởng, sự chống đối không có cơ sở tồn tại. Vì phàm là con người, không ai hoàn hảo tuyệt đối. Ngược lại, thiếu trung thực và minh bạch mà còn tìm cách chạy tội, đổ trách nhiệm cho người khác và dồn hết sức vào việc lý giải, hoặc ‘chữa cháy’, hay là lên
án người khác một cách chủ quan. Người lãnh đạo như thế rất khó thuyết phục được quần chúng. Hậu quả là niềm tin bị soi mòn. Tập thể tín nhiệm vị lãnh đạo qua lá phiếu, thì tập thể có quyền kỳ vọng nơi người lãnh đạo, phù hợp với tiêu chuẩn mà tập thể mong muốn, đó là điều chính đáng.
Nhìn vấn đề trong bối cảnh cộng đồng người Việt quốc gia ngày nay. Là một tập thể đến từ mọi miền VN, mọi trình độ, tuổi tác khác nhau. Khác nhau về xu hướng, quan điểm là chuyện chẳng lạ gì. Ấy là chưa nói đến CĐ là tập hợp của các tổ chức, đảng phái, tôn giáo… khác nhau. Chẳng thể làm vừa lòng tất cả.
Người lãnh đạo khôn ngoan và sáng suốt là người bám chắc vào ‘xương sống’ hay nói đúng hơn là con đường: LẬP TRƯỜNG QUỐC GIA DÂN TỘC, trên con đường ấy mọi người sẽ gặp nhau.
Những tranh luận đang xảy ra, không phải là ngẫu nhiên, mà có nguyên do. Nó sẽ không lắng đọng cho đến khi tập thể người Việt tự do ở đây xác định được người lãnh đạo của họ có những tiêu chuẩn căn bản cần phải có hay không. Vì tương lai và sự sống còn của CĐ, ta không thể coi nhẹ.
Nên nhớ rằng, Một khi đã trở thành người của công cộng (public figure) dù là ai và với bất cứ lý do cá nhân nào, không thể xem thường những tiêu chuẩn, lại càng không thể bỏ qua sự kỳ vọng của tập thể. Cũng không thể từ khước những chỉ trích, đánh giá, lắm khi gay gắt và thẳng thắn từ tập thể. Cho nên cần hiểu rằng, người lãnh đạo thành công, được mọi người tín nhiệm và trân quí. Trước hết, người ấy cần khả năng tư duy độc lập và có bản lãnh, chấp nhận được những phê bình chỉ trích trong mọi hoàn cảnh. Người lãnh đạo cũng cần hiểu rằng, phục vụ tập thể vì quyền lợi tập thể chứ không thể dùng tập thể làm bàn đạp tiến thân! Rất tiếc trong hoàn cảnh, sau gần 1 thế kỷ dân tộc VN bị chế độ cs khống chế, mẫu người có đủ những tiêu chuẩn nêu trên, chẳng có bao nhiêu.
Adelaide Tuần Báo