Theo dõi tin tức toàn cầu trong mấy tháng qua có lẽ nhiều người trong chúng ta thương cảm các nhà lãnh đạo, đặc biệt Tổng Thống Trump bên Mỹ, liên tiếp những biến cố ập tới khó lường, từ đại dịch viêm phổi đến bạo loạn nhân danh chống kỳ thị. Vừa đúng 74 hôm 14/6, cái tuổi thư thái nghỉ hưu. Nhưng TT Trump chứng tỏ cho dân Mỹ và thế giới rằng ông muốn lãnh đạo thế giới ra khỏi sự ảnh hưởng và khuynh loát của chủ nghĩa xã hội mà đảng csTQ là đầu não của con bạch tuộc này. TT Trump quyết tâm tiêu diệt cnxh bằng cách cắt đứt mạch huyết kinh tế nuôi nó. Nhưng ông không ngờ mưu mô của kẻ gian qua chiến tranh sinh học và các thế lực cấp tiến được đảng csTQ chống lưng, khai thác tối đa yếu điểm xã hội quá tự do như Mỹ. Tất cả kết hợp lại như đang làm cho sức mạnh Hoa kỳ suy yếu. Mong rằng đa số dân Mỹ ý thức, đừng mất niềm tin, ngược lại cần minh mẫn và đoàn kết trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này. Đa số người Mỹ gốc Việt và người Việt Quốc Gia khắp nơi đều hậu thuẫn sự lãnh đạo của TT Trump. Tuy không hoàn hảo nhưng chọn Trump tiếp tục là Tổng Thống Hoa kỳ vẫn thiết yếu cho cuộc chiến một mất một còn với cnxh do đảng csTQ cầm đầu.
Trở về với Úc Châu, sau 1 năm bất ngờ tái đắc cử, Thủ Tướng Morrison đang chứng tỏ ông là một người lãnh đạo có năng lực, nhiệt thành vì quốc gia. Có thể nói như thế vì những gì xảy ra trong 6 tháng qua chứng tỏ điều đó. Cụ thể, khi cùng gia đình nghỉ hè tại Hạ Uy Di (Hawai) dịp Noel 2019 thì nạn cháy rừng ở Úc hoành hành, TT Morrison quay về Úc ngay lập tức để cùng các bộ ngành đối phó nạn cháy rừng phạm vi cả nước. Hành động của ông đã được đánh giá cao và tạo niềm phấn chấn cho các nạn nhân vì họ cảm nhận có lãnh đạo quan tâm.
Điều đáng ngưỡng phục hơn nữa mà báo giới (vốn khuynh Tả) không nói đến nhiều. Riêng tờ The Australian ra ngày 13/6/20 nhà báo Simon Benson thuật lại trong bài “PM set aside his grief for crucial talks with Elders” (Thủ Tướng gạt qua nỗi đau buồn riêng để họp với các Bô Lão) rằng ngày 22/1/2020 đang khi sắp có hội nghị với khoảng 65 niên trưởng các bộ tộc Thổ Dân về Canberra (một biến cố chưa từng có trong lịch sử nước Úc). Anh ruột của TT Morrison là Alan Morrison báo tin là người cha đang hấp hối và sẽ ra đi trong vài giờ. Gia đình muốn TT Morrison về gặp cha lần cuối. Canberra chỉ cách Sydney khoảng 25 phút đường bay. Văn phòng TT và các bộ trưởng liên hệ đều khuyên TT Morrison nên bãi họp, về tiễn biệt cha. Nhưng TT Morrison đã chọn ở lại họp với 65 vị trưởng lão khi ông nói: Tôi biết cha tôi sẽ hài lòng và muốn tôi ở lại đây vì trách nhiệm. Sự kiện này làm cho thuộc cấp, biết chuyện gia đình TT có tang, họ khâm phục và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của TT Morrison.
Các quốc gia Tây Phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Úc được coi là an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống. Ngoại trừ sự bất cẩn của chính phủ Lao Động thiên Tả bang Victoria do ông Daniel Andrews lãnh đạo, đang trở nên nỗi lo chung cho cả nước. Bằng không, ai cũng thấy sự nhiệt thành mà TT Morisson thể hiện, họp báo hàng ngày đưa ra quốc sách để Úc lướt qua khủng hoảng. Không trừ ai, đều được hỗ trợ về tài chánh. 25 triệu dân trên lục địa này được chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo. Đó có phải là đặc ân, so với dân chúng của nhiều quốc gia khác?
Khi phát biểu về sự bạo loạn xảy ra tại Mỹ, TT Morrison đã sơ ý khi cho rằng tại Úc không có chế độ nô lệ (slavery) liền bị ném đá tơi tả. Khiến ông đã nhiều lần xin lỗi. Nhân vô thập toàn, hãy nhìn cách hành xử hơn là lời nói suông. Xu hướng vạch vòi sơ suất nhỏ của các vị lãnh đạo, trong khi coi nhẹ những đóng góp lớn lao của họ hầu như được truyền thông cánh Tả khai thác tối đa. Úc Châu trong vài thập niên qua đã hãnh diện có những vị Thủ Tướng uy tín và công trạng như Bob Hawker (Lao Động) hay John Howard (Tự Do). Tuy nhiên, lúc họ làm Thủ tướng cũng không tránh những bài xích về những chuyện nhỏ nhoi. Có lẽ TT Morrison cũng nhận thức, mình cũng không ngoại lệ. Cầu mong các vị lãnh đạo thực tâm vì quốc gia dân tộc có nhiều nghị lực để hoàn thành trách nhiệm được trao phó.
Adelaide Tuần Báo